Suýt mất hai thửa đất vì khắc phục hậu quả cho em trai

(PLO)- Theo HĐXX, việc chuyển nhượng hai thửa đất chỉ về mặt hình thức nhằm đảm bảo việc nguyên đơn khắc phục hậu quả cho em trai trong vụ án hình sự nếu bị tuyên phạm tội nên vô hiệu do giả tạo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-12, TAND TP.HCM tuyên án y án sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà N.T.L (ngụ quận Gò Vấp) và bị đơn là ông N.N.K (ngụ quận Bình Thạnh).

Chuyển nhượng hai thửa đất để bảo lãnh cho em trai

Theo nội dung bản án sơ thẩm, năm 2016, ông Nguyễn Văn Sinh (Giám đốc Công ty TNHH Thái Nguyên 1) bị khởi tố và bắt tạm giam trong vụ án liên quan đến Công ty Khâm Thiên là bị hại (do ông K làm giám đốc).

Bà L (chị ông Sinh) có đơn xin bảo lãnh cho ông Sinh được tại ngoại. Theo hướng dẫn của CQĐT và VKS, bà L phải có tài sản đảm bảo cho ông K về việc ông Sinh khắc phục hậu quả nếu bị tòa tuyên phạm tội.

Bà L đã kí hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất (có công chứng) tại quận 9 (nay là TP Thủ Đức) cho ông K vào ngày 1-3-2017. Việc chuyển nhượng nhằm đảm bảo việc ông Sinh khắc phục hậu quả. Tuy nhiên thực tế ông K không thanh toán tiền cho bà L, còn bà L kí vào biên bản thỏa thuận ngày 1-3-2017 nhận đủ 10 tỉ đồng theo yêu cầu của ông K vì mong ông Sinh được tại ngoại và bà L vẫn quản lý, sử dụng đất cho tới bây giờ.

Sau đó, bà L khởi kiện, yêu cầu tòa tuyên bố hai hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất là vô hiệu do giả tạo.

Theo ông K, giữa bà L và ông đã ký hai hợp đồng chuyển nhượng giá 10 tỉ đồng để khắc phục hậu quả thay cho ông Sinh.

Từ tháng 2-2017 đến tháng 5,6-2017, ông K giao đủ tiền. Bà L không cầm tiền mà yêu cầu ông K nộp cho Công ty Khâm Thiên và đã xác nhận đã nhận đủ tiền trong biên bản ngày 1-3-2017.

Đại diện Công ty Khâm Thiên xác nhận đã nhận 10 tỉ đồng khắc phục hậu quả theo phiếu thu ngày 14-3-2018.

Y án sơ thẩm, hợp đồng vô hiệu do giả tạo

Xét xử sơ thẩm (tháng 7-2023), TAND TP Thủ Đức tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu do giả tạo. Buộc ông K trả bản chính giấy chứng nhận hai thửa đất cho bà L; trường hợp ông K không trả, bà L có quyền xin cấp lại.

HĐXX đồng thời không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông K buộc bà L trả lại 10 tỉ đồng và chi phí thẩm định giá.

Theo cấp sơ thẩm, bà L đưa hai thửa đất để khắc phục hậu quả thì số tiền phải được Công ty Khâm Thiên ghi vào phiếu thu ngay khi kí hợp đồng và biên bản thỏa thuận ngày 1-3-2017 và do bà L kí nộp tiền; không phải đến ngày 14-3-2018 (sau hơn một năm) và ông K kí nộp thay. Hai bên có mâu thuẫn vào tháng 9-2017, khi bà L không tiếp tục đưa tài sản vào khắc phục hậu quả.

Do đó, có cơ sở xác định việc hai bên kí hợp đồng chuyển nhượng để đảm bảo ông Sinh khắc phục hậu quả nếu bị tuyên có tội. Đây thực chất là giao dịch đảm bảo có điều kiện, khi ông Sinh có tội thì hai thửa đất trên là tài sản đảm bảo khắc phục hậu quả.

Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử ông Sinh đều tuyên ông không phạm tội và không buộc khắc phục hậu quả. HĐTP TAND Tối cao đã giám đốc thẩm và tuyên hủy hai bản án trên để điều tra lại. Đến nay, chưa có bản án nào có hiệu lực tuyên ông Sinh phạm tội và khắc phục hậu quả cho Công ty Khâm Thiên.

Trên thực tế bà L và ông K không giao nhận tiền, không giao đất; ông K không coi đất, không biết vị trí đất… Việc kí hợp đồng là giả tạo nhằm che đậy giao dịch thực tế là để ông Sinh khắc phục hậu quả nếu bị tuyên có tội. Bà L không đồng ý tiếp tục đưa tài sản đảm bảo nên có cơ sở tuyên bố hợp đồng vô hiệu do giả tạo.

khắc phục hậu quả
HĐXX tuyên án vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ảnh: SONG MAI

Tại phiên xét xử phúc thẩm, phía bà L đề nghị HĐXX bác yêu cầu của bị đơn, tuyên y án sơ thẩm. Phía ông K buộc bà L phải tiếp tục thực hiện hai hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất...

Theo tòa phúc thẩm, ông Sinh và Công ty Khâm Thiên có công nợ 37 tỉ đồng liên quan đến vụ án hình sự mà cơ quan tiến hành tố tụng đang xem xét, không liên quan đến bà L.

Việc bà L chuyển nhượng hai thửa đất khắc phục hậu quả cho ông Sinh thì chủ thể bên nhận chuyển nhượng phải là Công ty Khâm Thiên (bị hại trong vụ án), không phải ông K.

Việc chuyển nhượng hai thửa đất giữa bà L và ông K thông qua hợp đồng công chứng nhưng về mặt hình thức các bên không giao nhận tiền và việc chuyển nhượng khắc phục hậu quả không đúng chủ thể nên cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng vô hiệu do giả tạo là có căn cứ.

Cạnh đó, HĐTP TAND tối cao đã giám đốc thẩm và tuyên huỷ hai bản án xét xử ông Sinh để điều tra lại. Ông K và Công ty Khâm Thiên có quyền yêu cầu tòa án xem xét xử lí công nợ 37 tỉ đồng mà ông Sinh đã gây ra thiệt hại cho Công ty Khâm Thiên trong vụ án hình sự đã bị hủy theo quyết định trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm