Điều tra lại vụ án 3 bị cáo được tuyên vô tội ở 2 cấp tòa

(PLO)- Theo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cơ quan điều tra và VKS đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án từng tuyên ba bị cáo Nguyễn Văn Sinh (giám đốc Công ty Thái Nguyên 1), Văn Công Đường (trưởng phòng Kinh doanh Công ty Thái Nguyên 1), Đặng Văn Chiến (thủ kho của Công ty Thái Nguyên 1) không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Những thiếu sót, vi phạm dẫn đến phải hủy án không phải là lỗi của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm trong quá trình giải quyết vụ án.

Những mâu thuẫn từ việc mua bán lúa mì

Theo nội dung vụ án, 11 năm trước, Công ty Khâm Thiên và Công ty Thái Nguyên 1 đã ký kết, thực hiện nhiều hợp đồng mua bán lúa mì.

dad3.jpg

Ngày 10-1-2013, hai bên ký hợp đồng liên kết kinh doanh lúa mì số 27. Từ hợp đồng này, hai bên đã ký thêm nhiều hợp đồng mua bán lúa mì khác. Trong đó có hai hợp đồng số 63 và số 71 với số lượng 6.500 tấn lúa mì chưa thực hiện xong, được đưa vào hai silô số 4, 5 của Công ty Thái Nguyên 1. Với mục đích bảo vệ lúa mì, ông Võ Minh Hường (thủ kho của Công ty Khâm Thiên) đã dán niêm phong, ký tên vào các van mở silô nhưng không lập biên bản.

Sau hai lần mở niêm phong xuất ứng trước lúa mì cho Công ty Thái Nguyên 1, số lúa mì còn lại trong kho là 4.213 tấn, trị giá hơn 37,9 tỉ đồng.

Khoảng ngày 16 hoặc 17-10-2013, ông Sinh đã chỉ đạo ông Đường và ông Chiến phá niêm phong hai silô số 4, 5 lấy lúa mì để bán mà không có sự đồng ý của Công ty Khâm Thiên…

Cáo trạng xác định hơn 4.213 tấn lúa mì, trị giá hơn 37,9 tỉ đồng, ông Sinh đã chiếm đoạt, bán để sử dụng vào mục đích cá nhân, sắm vật tư, chi trả tiền lương công nhân…

Xét xử sơ thẩm ngày 8-9-2020, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên cả ba bị cáo không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Ngày 21-9-2020, VKSND tỉnh Đồng Nai kháng nghị theo hướng các bị cáo phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Ba bị cáo một lần nữa được tuyên không phạm tội.

Hủy án vì sai lầm trong giải quyết vụ án

Ngày 12-9-2022, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy hai bản án trên để điều tra lại vì những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án.

Kháng nghị của VKSND Tối cao nêu rằng cơ quan điều tra (CQĐT) kết luận các bị cáo phá niêm phong lấy lúa mì nhưng không xác định được ngày phá niêm phong và chưa chứng minh được thời gian kết thúc việc lấy lúa mì. CQĐT không cho thực nghiệm điều tra để xác định việc lấy lúa mì ra khỏi silô như thế nào; cách xác định trọng lượng lúa mì mỗi lần lấy, các thủ tục sau khi lấy lúa mì ra khỏi silô…

CQĐT không giám định thể tích và sức chứa của hai silô số 4, 5; không giám định chữ ký tên “Hường” thu giữ tại mẫu giấy trên ống xả silô số 5 có phải của ông Hường hay không.

Hiện trường vụ án liên quan đến kỹ thuật vận hành dây chuyền bột mì, dấu vết, vị trí niêm phong nhưng khi khám nghiệm hiện trường, CQĐT không cho các bị cáo tham gia, không mời người có chuyên môn tham dự và để ông Hường là người chứng kiến là không đảm bảo khách quan.

CQĐT, VKS đều kết luận ông Sinh và đồng phạm chiếm đoạt hơn 4.213 kg lúa mì nhưng không xác định được phương pháp nào cân, đo khối lượng lúa mì; chưa giám định hai silô số 4, 5 chứa được bao nhiêu tấn lúa mì; trước khi nhập lúa mì vào hai silô số 4, 5, trong hai silô này có lúa mì hay không; để từ đó xác định số lúa mì mà các bị cáo đã lấy.

Quá trình chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, tòa án sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung bốn lần nhưng chưa được CQĐT xác minh, làm rõ.

Xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định rằng quá trình điều tra, truy tố đã có những vi phạm, thiếu sót như kháng nghị của VKSND Tối cao đã chỉ ra nên việc điều tra lại vụ án là có căn cứ chấp nhận.

Quan điểm của tòa cấp dưới khi tuyên không phạm tội

Theo hợp đồng bên mua hàng “nhận hàng xong mới phải thanh toán tiền”, Công ty Khâm Thiên giao lúa mì cho Công ty Thái Nguyên 1 là “giao hàng đã bán”. Do vậy, việc Công ty Thái Nguyên 1 tiêu thụ hàng hóa đã mua không phải là sự kiện phạm tội.

Cáo trạng không ghi nhận đầy đủ nội dung hợp đồng và các phụ lục hợp đồng dẫn đến xác định sai về thỏa thuận thanh toán của hợp đồng là “trả tiền trước khi nhận hàng”.

Công ty Khâm Thiên không báo cơ quan chức năng ngay khi phát hiện bị lấy lúa mì; giữa hai công ty còn đối chiếu các công nợ và các văn bản chốt nợ. Chứng tỏ lời khai ban đầu của bị cáo, bị hại như cáo trạng nêu là không đúng nội dung vụ việc, không phù hợp với thực tế khách quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm