Syria tròn 5 năm nội chiến: Thế giới thay đổi thế nào?

Thế giới tưởng niệm năm năm nội chiến Syria (tháng 3-2011 đến tháng 3-2016) bằng khôi phục cuộc hòa đàm Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 14-3.

Đây là nỗ lực mới nhất nhằm chấm dứt đổ máu ở Syria và cuộc hòa đàm này là tất cả hy vọng để chấm dứt nội chiến Syria.Tuy nhiên theo hãng tin AFP (Pháp), không có nhiều hy vọng các bên liên quan sẽ biến thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hiện nay thành một hiệp ước hòa bình lâu dài. Thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga bảo trợ thực hiện từ ngày 27-2 nhìn chung vẫn được tôn trọng.

Một nửa đất nước chạy loạn

Cuộc nội chiến Syria được xem là cuộc xung đột dữ dội và lâu dài nhất trong làn sóng Mùa xuân Ả Rập ở Trung Đông và châu Phi.

Sẽ không bao giờ có được con số chính xác về số người chết trong năm năm nội chiến. Theo LHQ, hơn 250.000 người đã chết và hơn một triệu người bị thương. Tuy nhiên con số này đã không được cập nhật nhiều tháng qua. Tổ chức quan sát nhân quyền Syria xác định số người chết là hơn 270.000. Trong khi đó số liệu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu chính sách Syria là 470.000 người chết.

Gần một nửa dân số Syria trước nội chiến (23 triệu người) đã phải chạy loạn. Cao ủy nhân quyền LHQ cho biết số người di tản trong đất nước Syria là 6,5 triệu, 4,8 triệu người đã phải rời Syria, chủ yếu sang các nước láng giềng Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Iraq, rồi từ đó sang châu Âu. Phần nhiều dân số còn ở lại Syria đang rất cần được hỗ trợ nhân đạo.

Syria hoang tàn, kiệt quệ

IS tàn phá ngôi đền 2.000 năm tuổi Baalshamin ở TP cổ Palmyra (Syria) năm 2015. (Ảnh: AP)

Aleppo, TP lớn nhất và là trung tâm thương mại cũ của Syria đã bị tàn phá nghiêm trọng. Các khu chợ cổ xưa và khu đền Umayyad nổi tiếng gần như bị phá hủy, tòa tháp tồn tại 11 thế kỷ của Aleppo đã bị đánh sập. TP Homs lớn thứ ba Syria còn tệ hơn, hàng loạt khu dân cư chỉ còn là đống hoang tàn.

Các địa điểm gần thủ đô Damacus do phe nổi dậy kiểm soát như Jobar, Douma, Harasta cũng chỉ còn là những đống đổ nát. Theo đánh giá ban đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 1 thì tính đến thời điểm cuối năm 2014, thiệt hại ở sáu TP Syria (Aleppo, Darra, Hama, Homs, Idlib, Latakia) khoảng 3,6 đến 4,5 tỉ USD.

Gần như tất cả di sản thế giới UNESCO của Syria đã bị hư hại hoặc bị phá hủy. Một số di sản trúng đạn pháo giao tranh, một số bị phá hủy chủ ý.

Cũng chưa có thống kê chính xác về thiệt hại kinh tế của Syria trong năm năm nội chiến. Một báo cáo gần đây của tổ chức từ thiện Tầm nhìn thế giới và tổ chức tư vấn Frontier Economics ước tính cuộc nội chiến đã lấy đi của Syria 275 tỉ USD cơ hội tăng trưởng kinh tế. Nếu nội chiến chấm dứt vào năm 2020, mất mát này sẽ tăng lên 1.300 tỉ USD. Theo một báo cáo của WB, tính đến thời điểm giữa năm 2014, thị trường chứng khoán Syria mất khoảng 70-70 tỉ USD, và nội chiến Syria ngày càng tệ hơn kể từ thời điểm đó.

Ảnh hưởng cả thế giới

Nội chiến Syria không những thay đổi Syria mà thay đổi cả thế giới, theo hãng tin CBS News (Mỹ).

Kinh tế các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq cũng bị ảnh hưởng lớn vì người tị nạn Syria. Vốn đã sẵn tổn thương về kinh tế trước đó, ảnh hưởng nội chiến Syria càng khiến các nước thêm áp lực. Số liệu WB cho thấy hơn 630.000 người tị nạn Syria làm Jordan mất hơn 2,5 tỉ USD/năm. Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ thì tuyên bố đã không còn khả năng lo cho người tị nạn Syria.

Tổ chức tàn bạo nhất hành tinh - Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - xuất hiện. Sau khi hoàn thành đặt căn cứ chính ở TP Raqqa (Syria), năm 2014, IS mở rộng địa bàn qua TP Mosul (Iraq). Từ đó IS kiểm soát được một khu vực rộng lớn bằng diện tích cả nước Anh ở Iraq, cùng với đó là tịch thu một số lượng khủng chiến lợi phẩm - vũ khí, tiền bạc, người. IS gây lo ngại sâu sắc không chỉ ở khu vực mà cả thế giới vì sự tàn bạo của mình.

Nội chiến Syria đã cân bằng lại trục quyền lực khu vực. Phạm vi ảnh hưởng của người Shiite ở Iran được mở rộng ở Syria và Iraq. Iran có quân đội ở cả Syria và Iraq.

Nội chiến Syria đã vượt quá tầm một cuộc nội chiến khi làm mất ổn định các nước láng giềng yếu hơn như Lebanon, kích thích căng thẳng sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, lôi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vào cuộc chiến.

Châu Âu cũng bị bất ổn vì nội chiến Syria. Chỉ trong năm 2015 châu Âu đã nhận hơn một triệu người tị nạn Trung Đông và Bắc Phi, chủ yếu từ Syria và giờ thì đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới