Đó là nội dung quan trọng trong dự thảo đề xuất của Chính phủ liên quan đến chương “Chính quyền địa phương” trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 được đưa ra lấy ý kiến tham vấn tại buổi tọa đàm do Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức sáng 30-7.
Theo đánh giá của Chính phủ, HP hiện hành đang thiếu các quy định về tiêu chí thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cũng như thiếu quy định về vai trò của nhân dân các địa phương nói trên. Điều này khiến nảy sinh nhiều bất cập trong thực tế như làm tăng đơn vị hành chính, tăng bộ máy, tăng biên chế cán bộ, công chức không hợp lý... Từ đó, Chính phủ đề xuất bổ sung trong HP quy định nói trên.
Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng chỉ nên quy định việc lấy ý kiến người dân như một tiêu chí. “Nếu để nhân dân quyết định toàn bộ việc này thì khó khả thi” - ông Khanh khẳng định. Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất việc lấy ý kiến chỉ là điều kiện, trình tự, thủ tục và không cần nêu trong HP. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo, cũng cho rằng nên bỏ quy định này vì “rất khó và vướng”...
Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Phương Hoa lại đề xuất cần “trưng cầu ý kiến” người dân địa phương về việc này chứ không chỉ dừng lại ở mức “lấy ý kiến” như đề xuất của Chính phủ.
Lý giải thêm về đề xuất của Chính phủ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nói mấy chục năm qua, việc chia tách, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính diễn ra ở nước ta quá nhiều. Mặt khác, dự thảo HP sửa đổi đã quy định về việc trưng cầu dân ý đối với một số vấn đề quan trọng ở hai cấp toàn quốc và địa phương. Do vậy nên bổ sung quy định về việc lấy ý kiến nhân dân khi chia tách, sáp nhập địa giới hành chính bởi “khi giải quyết các tranh chấp về địa giới hành chính, không lấy ý kiến người dân không thể giải quyết được” - ông Liên nói thêm.
ĐỨC MINH