Ngày nay, công nghệ phát triển tiên tiến phục vụ có ích cho nhu cầu giải trí, làm việc, học tập của con người. Với các loại tivi, máy hát, máy fax, máy in, máy vi tính… hay đơn giản là chiếc điện thoại, chỉ vài tháng là chúng ta có sản phẩm mới. Sản phẩm cũ sẽ trở nên lỗi thời. Nếu bạn háo hức chờ mua một chiếc điện thoại mới ra để thay cái cũ, đã bao giờ bạn nghĩ chiếc điện thoại cũ của mình sẽ đi về đâu?
Ảnh: ST
Ngày nay chúng ta có khái niệm về chất thải điện tử (CTĐT). Đây là thuật ngữ dùng cho các rác thải từ điện tử. Cũng bởi công nghệ tiến bộ với tốc độ cao như hiện nay, nhiều thiết bị điện tử đã bị ném vào thùng rác chỉ sau một vài năm sử dụng. Nếu không được xử lý đúng cách, các chất độc hại có trong CTĐT như beryllium, cadmium, thủy ngân và chì sẽ trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Trong khi đó, hầu như tất cả CTĐT đều chứa các vật liệu có thể tái chế được bao gồm nhựa, thủy tinh và kim loại.
Theo trang Planet Green Recycle, chúng ta đang phải đối đầu với nhiều cuộc khủng hoảng sinh thái khác nhau, một trong số đó là CTĐT. Để ngăn chặn những tác động tiêu cực của chúng đến đời sống con người, sự hiểu biết về tác hại và ý thức bảo vệ môi trường là điều quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để thay đổi hành vi, nhận thức nhằm tránh cuộc khủng hoảng về CTĐT?
Trong vài thập niên qua, xã hội chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào điện tử và các thiết bị điện tử. Chúng ngày càng trở nên thông dụng và xuất hiện xung quanh cuộc sống con người. Tuy nhiên, cái chúng ta quan tâm là thái độ đúng mực đối với các sản phẩm thải bỏ. Theo Cơ quan Bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA) ước tính, chỉ có 25% CTĐT tại nước này được thu gom để tái chế. Điều đó có nghĩa rằng 75% chất thải còn lại kết thúc vòng đời tại một nơi nào đó:
. Tái sử dụng: Trong một số trường hợp, thiết bị điện tử cũ được tái sử dụng và sau đó lại bị đổ vào các bãi rác không có đủ điều kiện để xử lý.
. Bãi rác: Phần lớn CTĐT kết thúc cuộc sống tại các bãi chôn lấp. Các hóa chất độc hại thấm vào lòng đất hoặc có thể bay vào không khí, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng.
. Xuất khẩu: Nghe có lạ tai nhưng đó là sự thật và khá phổ biến. CTĐT sẽ được xuất khẩu sang các nước khác như Ấn Độ và Trung Quốc.
. Thiêu hủy: Một số CTĐT được thiêu hủy nhưng đây cũng là mối lo ngại khi các chất nguy hại có cơ hội thoát ra không khí.
. Tái chế: Chỉ có một tỉ lệ phần trăm nhỏ CTĐT được tái chế thực sự và đúng cách. Trong khi tái chế sẽ giúp đảm bảo nguyên liệu được tái sử dụng, an toàn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường thì dường như điều này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Cuộc thi Khoảnh khắc 3T Sở TN&MT TP.HCM, Quỹ bảo vệ môi trường TP.HCM với sự tài trợ của Chương trình Việt Nam tái chế tổ chức cuộc thi sáng tác phim tuyên truyền Khoảnh khắc 3T năm 2016. Với chủ đề Chất thải điện tử, cuộc thi nhằm tìm kiếm các tác phẩm phim ngắn, phim hoạt hình hoặc motion graphic hỗ trợ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Qua đó giúp cộng đồng hình thành thói quen thải bỏ đúng CTĐT, bảo vệ môi trường. Tác phẩm dự thi thể hiện thông điệp tuyên truyền liên quan đến chủ đề với độ dài tối đa 10 phút, kèm theo lời bình, trình bày dưới dạng phụ đề hoặc thuyết minh bằng tiếng Việt. Hồ sơ dự thi bao gồm phiếu đăng ký và tác phẩm dự thi nộp trực tiếp hay qua đường bưu điện về địa chỉ Quỹ bảo vệ môi trường TP.HCM, 3 Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM hoặc gửi vào email khoanhkhac3T@gmail.com. Hạn chót nhận hồ sơ là 17 giờ ngày 10-6. Cơ cấu giải thưởng gồm giải phim ngắn xuất sắc nhất; giải phim hoạt hình, motion graphic xuất sắc nhất là 15 triệu đồng. Ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho tác phẩm có kịch bản, ý tưởng, kỹ xảo và giải được yêu thích. |