Chia tay bất động sản, bầu Đức sẽ yên thân 'khởi nghiệp'?

Khởi đầu từ một phân xưởng nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã vào năm 1990, những năm sau đó doanh nghiệp của ông Bầu Đức đã phất lên như diều gặp gió. Các sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai thời điểm này là đồ gỗ nội - ngoại thất cao cấp; đá granit ốp lát tự nhiên... Năm 2005, doanh nghiệp của Bầu Đức đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực, mở văn phòng đại diện khắp nơi với doanh thu chính thức vượt mốc ngàn tỉ.

Bước sang giai đoạn 2007-2008, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu nhảy sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc, thông qua việc xây dựng các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê... Thực tế tập đoàn của Bầu Đức đã cho ra đời một loạt khách sạn, khu nghỉ mát trải dài tại TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku...

Đây cũng là đỉnh điểm cho việc tăng trưởng vượt bậc của Hoàng Anh Gia Lai, khi tính đến cuối năm 2008, tổng giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp đã đạt 25.576 tỉ đồng, tăng hơn hai lần so với con số 11.600 tỉ đồng đầu năm 2007.

Chia sẻ về bước nhảy vọt này, bầu Đức cho biết chủ yếu nhờ đóng góp từ mảng địa ốc. Với việc sở hữu 27 dự án bất động sản, trong đó có những dự án đã được đầu tư và mua đất từ năm 2000; trong khi đó giá thị trường, đặc biệt là căn hộ cao cấp tăng cao dẫn đến tổng giá trị tài sản ròng doanh nghiệp hưởng lợi lớn.

Ngoài ra, cũng nhờ sớm đi săn đất từ năm 2000, giai đoạn thị trường đi vào tăng trưởng nóng Hoàng Anh Gia Lai gần như nổi bật so với đối thủ khi khá cạnh tranh về giá. Giai đoạn này, bất động sản gần như là nguồn thu chính và đóng góp lớn cho tăng trưởng của doanh nghiệp.

Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã có kế hoạch thoái vốn trong tương lai, phía Thaco theo đó sẽ nắm quyền kiểm soát HAGL Land. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, đến nay bầu Đức đang có ý định rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực này, thông qua việc thoái vốn khỏi dự án Hoàng Anh Myanmar. Ghi nhận tại Báo cáo thường niên năm 2018 của Hoàng Anh  Gia Lai, doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ của dự án Hoàng Anh Myanmar tính đến 9-2018 là 709 tỉ đồng.

Từ tháng 9-2018, HAGL Land từ công con trở thành công ty liên kết của Hoàng Anh Gia Lai sau khi công ty này tăng vốn dẫn đến sở hữu của doanh nghiệp tại đây giảm xuống còn 47,89%. Kể từ thời điểm này, Hoàng Anh Gia Lai không còn nắm quyền kiểm soát HAGL Land cũng như với dự án HAGL Myanmar.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 cũng không còn ghi nhận nguồn thu từ dự án Hoàng Anh Myanmar từ quý 4. Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã có kế hoạch thoái vốn trong tương lai, phía Thaco theo đó sẽ nắm quyền kiểm soát HAGL Land (thông qua Đại Quang Minh) để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp trải qua thời gian dài vô cùng khốn khó, trước áp lực nợ vay, vốn bị chôn tại hàng ngàn ha cao su khi thị trường lao dốc…

Hoàng Anh Gia Lai đến nay đã tìm được trụ cột mới là mảng trái cây. Với sự hỗ trợ của Ô tô Trường Hải (Thaco) từ vốn, công nghệ, giống đến việc sản xuất, tiêu thụ, mảng trái cây đến nay cơ bản đã thiết lập được cơ sở, bầu Đức theo đó sẽ dốc toàn lực thúc đẩy mảng này, hướng đến mục tiêu đứng số 1 châu Á về nông nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm