Trong báo cáo mới phát hành với chủ đề "Triển vọng kinh tế vĩ mô quý 4-2021", Công ty chứng khoán KBSV đánh giá, tỉ giá USD/VND liên ngân hàng giảm mạnh từ tháng 8 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm tỉ giá USD/VND mua giao ngay sau khi Mỹ và Việt Nam tiếp tục đạt được tiếng nói chung và phía Việt Nam cam kết không can thiệp vào thị trường để làm giảm giá tiền đồng.
Bên cạnh đó, nguồn cung USD vẫn duy trì ở mức dồi dào nhờ kiều hối, vốn FDI và thặng dư thương mại đã quay trở lại vào tháng 9. Xét cho cả quý 3-2021, tỉ giá liên ngân hàng USD/VND giảm 1,04% từ 23.008 xuống 22.768 đồng.
KBSV cho biết, nguồn cung ngoại tệ được đánh giá vẫn duy trì trạng thái ổn định trong 3 tháng cuối năm 2021, nhờ hoạt động xuất khẩu hồi phục, trong khi dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.
Với việc lĩnh vực sản xuất dần phục hồi hậu giãn cách, và nhu cầu tiêu thụ của người dân các nước gia tăng dịp cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong các tháng tới để mang về nguồn ngoại tệ lớn.
Bên cạnh đó, thống kê cũng cho thấy dù chịu tác động bởi tình hình dịch COVID-19, kiều hối 7 tháng đầu năm 2021 của TP.HCM, vốn chiếm 30% lượng kiều hối cả nước vẫn đạt mức cao 3,7 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ và được kỳ vọng tiếp tục chảy về trong các tháng tới.
Ngoài ra, dòng vốn FDI giải ngân được dự báo sẽ quay trở lại, khi niềm tin nhà đầu tư được cải thiện trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam cho tháng 9-2021, World Bank đánh giá ngắn gọn rằng, tiền đồng tăng giá.
Trong tháng 9, tỉ giá VND/USD bình quân tăng 0,7% so với tháng 8 trên thị trường chính thức trong nước, cho thấy nguồn cung USD lớn hơn tương đối so với cầu.
Thực chất, ngày 11-8-2021, NHNN giảm tỉ giá mua USD từ các ngân hàng thương mại là 225 đồng (tương đương 1%). Và ngày 24-8-2021, NHNN quyết định giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tại NHNN từ mức 0,05% xuống còn 0% từ ngày 1-9-2021. Những động thái này có thể đã hỗ trợ cho cung USD trên thị trường.
Tiền đồng tăng giá danh nghĩa trong thời gian khủng hoảng cũng có thể phần nào do kiều hối đang hồi phục và dòng vốn FDI vẫn ổn định. Đó là hai nguồn cung USD quan trọng, có thể đang giúp bù đắp thâm hụt cán cân thương mại.
Ngoài ra, xu hướng tăng giá thực của tiền đồng giống với biến động của đồng USD đã phản ánh tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ đối với thương mại của Việt Nam.