Tái cơ cấu kinh tế: “Nhóm lợi ích là lực cản rất lớn”

Chuyên gia kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận: Qua một năm triển khai chương trình tái cơ cấu, Chính phủ đã dành nhiều công sức để xây dựng một hệ thống văn bản. Tuy nhiên, chất lượng văn bản không cao, nhiều nội dung thiếu tường minh, triển khai còn chậm và chưa có những chuyển biến cụ thể trên từng nội dung của tái cơ cấu.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Các công việc đã làm để tái cơ cấu kinh tế chưa tập trung vào giải quyết vấn đề căn bản là tạo lập một hệ thống động lực khuyến khích mới để phân bố lại nguồn lực trong toàn xã hội, làm cho nguồn lực được sử dụng có hiệu quả, hợp lý và bền vững hơn. Bản đề án tái cơ cấu mà nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm đề nghị làm lại tuy không thực sự hoàn hảo nhưng có lẽ là phương án tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận xét: Sự cần thiết của tái cơ cấu kinh tế cũng mới chỉ manh nha trong tâm trí một bộ phận lãnh đạo, nhà quản lý khoảng hai năm nay, trong khi đây là vấn đề quá lớn của một quốc gia.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá nhận xét: Nếu không chấp nhận để doanh nghiệp và cả ngân hàng yếu kém “chết” đi thì không thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Chuyên gia Lưu Bích Hồ thì lo ngại: Rất khó trao trách nhiệm tái cơ cấu nền kinh tế cho cơ quan hành pháp, khu vực mà lợi ích nhóm dễ hoành hành hơn các khu vực khác. Ông đề nghị: “Để mình Chính phủ làm là không ổn. Tái cơ cấu nền kinh tế là việc đặc biệt, Quốc hội nên lập ra một ủy ban đặc biệt để thực hiện”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng trong khi chúng ta bỏ lỡ cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, các nhóm lợi ích đã bùng lên và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Thế lực của các nhóm lợi ích đã trở nên mạnh mẽ, không phải chỉ ở riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước mà khu vực nào cũng có và là lực cản rất lớn cho tái cơ cấu. Bởi vậy, không để mất thêm thời gian nữa, vì càng để mất mát sẽ lớn hơn.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đưa ra đề nghị: “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế nên được làm lại” trong sự ngỡ ngàng của khá nhiều vị đại biểu tham dự. Ngỡ ngàng, bởi đây là đề án mới được phê duyệt vào ngày 19-2-2013, sau rất nhiều lần được các đại biểu Quốc hội “đòi nợ”.

TNT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm