Thanh toán không dùng tiền mặt là một biểu hiện rõ nét nhất của công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng. Số liệu báo cáo tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, hôm qua 8-5, cho thấy giá trị thanh toán không dùng tiền mặt năm qua đã gấp 23 lần GDP. Với quy mô GDP năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, ước tính thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 9.890 tỷ USD (tương đương 250 triệu tỷ đồng).
Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân mỗi năm đạt trên 50%. Trong đó, giao dịch trên điện thoại tăng gấp đôi, còn giao dịch trên Internet tăng 1,5 lần. Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%.
Quy mô thanh toán không dùng tiền mặt như vậy là đạt 90% mục tiêu của đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký phê duyệt năm 2021. Theo đó đến 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP.
Đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của toàn xã hội, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đang thực hiện bình quân 830.000 tỷ đồng mỗi ngày. Cùng với đó là 20-25 triệu giao dịch trên hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Góp phần vào sự phát triển đó là mạng lưới ATM, POS bao phủ khắp các tỉnh, thành phố. Vượt ra khỏi biên giới, Việt Nam đã thiết lập kết nối thanh toán QR code với Thái Lan, Campuchia và sắp tới tại Lào.
Đến cuối năm 2023, đã có 87,08% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, tương ứng 182 triệu tài khoản thanh toán, vượt kế hoạch đặt ra.
Tính phổ thông và sự thuận tiện trong thanh toán không dùng tiền mặt bằng thiết bị điện tử cá nhân đang thu hẹp dần máy ATM. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đến cuối tháng 1, cả nước còn 20.986 máy ATM, giảm gần 2% so với cùng kỳ 2023. Hiện tượng quá tải tại các ATM thường thấy vào dịp lễ, Tết không còn diễn ra.
Chia sẻ với ngành ngân hàng trong ngày chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ đi đầu, tiên phong. Mạng lưới thanh toàn là huyết mạch của nền kinh tế mà chuyển đổi số tốt thì sẽ có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Điều này đang diễn ra sôi động tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, với 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số; 55% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn; 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên môi trường số; 17 tổ chức tín dụng đã số hóa hoàn toàn với các dịch vụ cho vay cá nhân, nhỏ lẻ.
Chuyển đổi số đang là yêu cầu chiến lược, ưu tiên hàng đầu giai đoạn hiện nay. Chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm nay là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột được xác định là động lực cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững: Công nghiệp công nghệ thông tin, Số hóa các ngành kinh tế, Quản trị và Dữ liệu số.
Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt cũng được đặt ra đối với dịch vụ công, như tại các cơ sở giáo dục, tại các trường đại học. Hay thanh toán dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh; trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.