Thanh toán không tiền mặt, lợi đôi đường - Bài 2

3 rào cản thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

(PLO)- Hệ thống thanh toán tự động còn trục trặc, người dân quen sử dụng tiền mặt, thanh toán còn mất phí là những rào cản thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân TP.HCM đã có những thay đổi lớn.

Các đơn vị, sở, ngành tại TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi cung cấp dịch vụ hay giải quyết chính sách cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn cần tháo gỡ.

Quét QR nhưng không ra mã

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Sở GTVT) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hệ thống thanh toán tự động trên 26 tuyến xe buýt với 499 xe.

Theo đó, hành khách đi xe buýt có thể thanh toán bằng thẻ UniPass và QR Code trên ứng dụng UniPass trong ZaloPay, thanh toán thẻ của 24 ngân hàng nội địa theo phương thức không tiếp xúc, không cần nhập mã PIN, chấp nhận mã thanh toán VietQR.

không dùng tiền mặt
Đi xe buýt quét mã QR để thanh toán rất tiện lợi nhưng vẫn chưa được nhiều người sử dụng.
Ảnh: TRẦN MINH

Theo ghi nhận của PV, tại một số tuyến xe buýt ở TP.HCM có bố trí hệ thống thanh toán tự động, tuy nhiên rất ít hành khách sử dụng.

Anh Trần Thanh Vũ, tài xế tuyến xe buýt số 1, cho biết tuyến xe buýt số 1 đều áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách chuyển khoản hoặc quét mã QR. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người dân không quen sử dụng nên họ đưa tiền mặt cho nhanh. Bởi nhiều khi khách đông, lên xe cùng lúc mà mở app để quét mã QR sẽ mất thời gian, chưa kể Internet kết nối lúc được lúc không.

Là người đi xe buýt thường xuyên, Thanh Mai, sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM, chia sẻ: “Lúc nào đi xe buýt em cũng chuẩn bị sẵn tiền lẻ vì nếu đưa tiền chẵn, nhân viên soát vé sẽ mất thời gian thối tiền. Việc thanh toán không dùng tiền mặt em thấy rất tiện lợi và phù hợp với đa số người dân nhưng lại gặp khó khăn. Cụ thể là hệ thống thường bị trục trặc, không thanh toán được, mất thêm thời gian”.

Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết việc thí điểm hệ thống thanh toán tự động đã góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp vận tải.

Khi thí điểm hệ thống thanh toán tự động trên 26/91 tuyến xe buýt, hành khách sử dụng hệ thống thanh toán tự động phải sử dụng song song hai hình thức (tiền mặt, không tiền mặt). Do đó, đôi khi gây khó khăn cho hành khách trong quá trình sử dụng.

“Nhằm giúp hành khách tiếp cận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức làm thẻ cho sinh viên tại trường ĐH, triển khai hỗ trợ làm thẻ định kỳ tại trạm điều hành xe buýt Sài Gòn số 1. Đồng thời, thẻ UniPass được sử dụng trên thiết bị di động bằng QR Code trên ứng dụng UniPass nằm trong ứng dụng ZaloPay cũng mang tới sự thuận tiện đối với hành khách trong quá trình sử dụng” - ông Hoàn chia sẻ.

Đẩy mạnh chi trả lương hưu qua ATM

Nhiều năm nay, bà Trần Thị Bình (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận lương hưu bằng hình thức làm ủy quyền cho người thân bởi bà không rành đường sá, đi lại khó khăn. Mới đây, bà đã làm thủ tục chuyển lương hưu qua thẻ ATM.

“Từ khi chuyển hình thức nhận lương hưu qua thẻ ATM, tôi thấy tiện vì không cần phải nhờ người nhà hằng tháng đi nhận. Tuy nhiên, các bạn của tôi do không sử dụng điện thoại thông minh, cũng ít sử dụng thẻ ngân hàng nên hằng tháng vẫn còn nhận lương hưu bằng tiền mặt” - bà Bình chia sẻ.

Theo thống kê của cơ quan BHXH TP.HCM, tính đến tháng 11-2023, TP.HCM có hơn 253.000 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, nhận qua thẻ ATM chiếm tỉ lệ 71,58%.

Trao đổi với PV, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết những người không nhận lương hưu qua thẻ ATM chủ yếu do không có khả năng tiếp cận công nghệ, không thích nhận tiền qua thẻ ATM. Những trường hợp này tập trung vào người hưởng lương hưu cao tuổi, nghỉ hưu trước năm 1995.

Nhằm khuyến khích người hưởng các chế độ qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan BHXH TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường đổi mới phương pháp, thực hiện các dịch vụ, ưu đãi của ngân hàng, tăng tính ưu việt của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

“Cơ quan BHXH TP.HCM đề nghị các đơn vị cử cán bộ BHXH phối hợp với cán bộ ngân hàng, bưu điện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp người hưởng tại các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng mở tài khoản cá nhân để nhận tiền chế độ hằng tháng; khuyến khích người hưởng mở tài khoản cá nhân… Ngoài ra, các đơn vị phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp; kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với cơ quan bưu điện” - ông Hà chia sẻ.

Chấn chỉnh thu học phí không dùng tiền mặt

Từ giữa năm 2022, nhằm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức không dùng tiền mặt. Đến nay, phần lớn cơ sở giáo dục tại TP.HCM đã “số hóa” thanh toán học phí.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều phụ huynh tại TP.HCM rất bức xúc, phản ánh về việc một số đơn vị trung gian thu học phí không dùng tiền mặt đã thu phí quá cao mỗi lần phụ huynh đóng học phí cho con. Cụ thể, mỗi lần chuyển tiền học phí cho học sinh, phụ huynh phải mất 5.000-15.000 đồng phí chuyển.

Nhằm chấn chỉnh việc thu học phí không dùng tiền mặt, mới đây Sở GD&ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản đề nghị các trường lưu ý trong thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt năm học 2023-2024.

Cụ thể, các trường phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc có mức phí thấp nhất để giới thiệu đến phụ huynh; từ đó phụ huynh sẽ chọn lựa một loại hình dịch vụ phù hợp để đóng học phí không dùng tiền mặt.

Các trường cần thực hiện công khai bằng nhiều hình thức về mức phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời đa dạng hóa các kênh thanh toán, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán nào; tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh, người học có nhiều sự lựa chọn… NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm