Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo kết quả đấu thầu vàng miếng sáng 8-5. Theo đó, có 3 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng; giá trúng thầu là 86,05 triệu, tương đương mức sàn.
Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ số lô tối thiểu doanh nghiệp được phép đặt thầu từ 1.400 lượng xuống 700 lượng, số thành viên tham gia trả giá và trúng thầu tăng lên so với trước đó.
Nhưng với số lượng trúng thầu 3.400 lượng, tương đương 20% tổng khối lượng chào thầu thì phiên sáng nay vẫn "ế" tới 13.400 lượng vàng miếng (tương đương gần 80% lượng gọi thầu).
Trước đó, chiều 7-5, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo tổ chức đấu thầu vàng vào sáng 8-5.
Hình thức đấu thầu theo giá với tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng vàng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,30 triệu đồng/lượng.
Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng vàng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng vàng).
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi điều kiện khối lượng vàng đấu thầu tối thiểu cho một đơn vị tham gia (1.400 lượng vàng miếng SJC) so với các lần trước.
Cho đến trước ngày 8-5, lần duy nhất Ngân hàng Nhà nước tổ chức thành công phiên đấu thầu vàng là vào ngày 23-4, tuy nhiên trong ngày này chỉ bán được 20% số lượng vàng, tương đương 3.400/16.800 lượng cho 2 đơn vị là ACB và SJC. Vì vậy 13.400 lượng vàng đã bị ế.
Ba phiên còn lại vào các ngày 22-4, 25-4 và 3-5 đều bị hủy do không đủ doanh nghiệp tham gia. Phiên đấu thầu gần nhất, ngày 3-5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, giá tham chiếu để tính đặt cọc lên 82,9 triệu đồng/lượng.