Tái diễn nạn xả rác bừa bãi

(PLO)- Việc xả rác bừa bãi không chỉ làm mất vẻ đẹp mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tính đến thời điểm hiện nay, đã gần bốn năm các địa phương tại TP.HCM triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện cuộc vận động người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước.

Cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt mỹ quan đô thị ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi người dân vẫn còn xả rác bừa bãi, ảnh hưởng môi trường sống của người dân.

Trên đường, dưới kênh đều có rác

Theo ghi nhận của PV, dọc theo tuyến đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Thuận Tây, quận 7) là kênh Tẻ. Đây là nơi neo đậu và buôn bán của hàng chục hộ dân trên ghe.

Đủ loại rác trên kênh Tẻ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ảnh: NGỌC TRĂM

Đủ loại rác trên kênh Tẻ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ảnh: NGỌC TRĂM

Mặc dù có biển báo cấm vứt rác trên bờ kênh nhưng tại đây vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Rác ở đây có đủ loại như thùng xốp, vỏ dừa, chai nhựa, rác thải sinh hoạt… Điều đáng nói là mỗi khi triều cường dâng cao, nước tràn lên bờ, thấm vào các túi rác làm bốc mùi hôi thối.

Dọc quốc lộ 22, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM (gần chợ đầu mối nông sản Hóc Môn) nhiều ngày qua tồn tại một bãi rác khổng lồ dài hơn 200 m nằm ngổn ngang giữa đường. Bất chấp bảng cấm vứt rác đặt ở ngay đó, người dân cứ thản nhiên vứt rác tràn lan từ vỉa hè xuống lòng đường thành bãi dài, bốc mùi hôi thối.

Mỗi ngày phải chạy qua tuyến đường này để đi làm, chị Huỳnh Ánh Tuyết, ngụ quận 12, cho biết: “Mỗi ngày đi làm ngang qua đây tôi đều phải nín thở vì quá hôi và nhếch nhác”.

Tương tự, tại tuyến đường Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM cũng trong tình trạng nhếch nhác vì rác thải đủ loại.

Còn trên tuyến đường Trường Sa (đoạn thuộc phường 12, quận 3), có điểm tập kết rác trước cổng Trường Mầm non 12, gây hôi thối, ô nhiễm. Người dân sống tại khu vực này cho biết tại đây, xe rác thường đến ép rác vào buổi tối gây bốc mùi hôi. Có khi nước ép rác chảy ra đường, làm người lái xe bị té ngã do nước rỉ rác gây trơn trượt trên đường.

Kiên quyết lập biên bản xử lý các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định.

Đại diện UBND phường Tân Thuận Tây, quận 7

Cần có sự chung tay đồng lòng từ người dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện UBND phường Tân Thuận Tây, quận 7 cho biết trục đường Trần Xuân Soạn thuộc địa bàn phường Tân Thuận Tây, đoạn từ gần cầu Tân Thuận 1 đến ngã ba đường Lâm Văn Bền có chiều dài khoảng 700 m. Tại đây, một số hộ ghe, thuyền buôn bán trên lề đường có tập kết rác trên vỉa hè, để đơn vị thu gom rác đến thu gom, thời gian thu gom từ 10 giờ đến 12 giờ hằng ngày.

Đại diện UBND phường cũng cho biết phường đã triển khai cho các hộ dân sinh sống hai bên trục đường Trần Xuân Soạn cam kết không vứt rác ra đường và kênh rạch. Bên cạnh đó, UBND phường cũng đã chỉ đạo công chức địa chính môi trường, tổ quản lý trật tự đô thị của phường thường xuyên kiểm tra tại trục đường Trần Xuân Soạn. Nếu phát hiện có rác tồn đọng, phải phối hợp với các đoàn thể, đơn vị để thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời kiên quyết lập biên bản xử lý các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định.

Về lâu dài, UBND phường đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý di dời các hộ ghe, thuyền dọc bờ kênh Tẻ và các hộ kinh doanh tại vỉa hè đường Trần Xuân Soạn dọc bờ sông.

Định kỳ hằng quý, UBND phường, khu phố và người dân tại khu vực cũng tổ chức tổng vệ sinh phía bờ kênh Tẻ và vỉa hè đường Trần Xuân Soạn để đảm bảo cảnh quan, môi trường luôn xanh, sạch.

Ông Trần Hữu Tài, Chủ tịch UBND phường 12, quận 3, cho biết do đặc điểm địa lý của phường nên trong quá trình thực hiện Chỉ thị 19 cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Cụ thể, với đặc điểm là địa phương có diện tích nhỏ, trên địa bàn chủ yếu là các tuyến hẻm trong các khu dân cư san sát nhau. Số lượng các tuyến đường chính để có thể thu gom rác rất hạn chế. Không có điểm tập kết rác nên điểm tập kết rác tại khu vực Trường Mầm non 12 là điểm tập kết rác tạm thời.

“Việc tập kết, thu gom rác của các đơn vị thu gom rác dân lập và thu gom rác của công ty dịch vụ công ích quận đều được phường quán triệt, sao cho đảm bảo về thời gian thu gom, tập kết; xử lý gọn, sạch. Sau mỗi lần thu gom rác, công ty dịch vụ công ích đều xịt rửa, dọn dẹp sạch sẽ để bà con đi lại cho dễ dàng. Để đảm bảo mỹ quan đô thị và Chỉ thị 19 đạt hiệu quả cao, cũng cần có sự chung tay đồng lòng từ phía người dân. Người dân nên để rác đúng nơi quy định, không xả rác ra đường phố, kênh rạch” - ông Tài thông tin.

Cũng theo ông Trần Hữu Tài, trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục nhắc nhở các đơn vị thu gom rác dân lập và đơn vị thu gom rác của công ty dịch vụ công ích quận xử lý, che đậy các xe rác tập kết, xịt rửa sạch sẽ sau mỗi lần thu gom.•

Đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện

Vừa qua, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM tổ chức chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời tháng 7-2022, với chủ đề “Quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

Tại chương trình, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết thực hiện chính sách chuyển đổi các đường dây thu gom rác dân lập, TP đã hỗ trợ vốn và lãi suất cho 68 dự án, với tổng kinh phí trên 80 tỉ đồng. Từ năm 2017 đến nay, từ 2.700 đường dây, nhóm rác dân lập đã tổ chức lại còn khoảng 250 pháp nhân, với hơn 20.000 lao động.

TP.HCM định hướng đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện và tái chế. Hiện TP.HCM nhận được đề xuất của sáu dự án, với công suất xử lý khoảng 10.500 tấn. PV

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…