BỘ TRƯỞNG GTVT HỒ NGHĨA DŨNG:

Tái khởi động đường sắt cao tốc là cần thiết, đúng luật

Tuy nhiên, tại kỳ họp này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, đường sắt cao tốc tiếp tục được nhiều đại biểu nêu ra, trong đó tập trung vào căn cứ pháp lý để tái khởi động hoạt động nghiên cứu dự án trên.

“Sau khi Quốc hội (QH) chưa thông qua chủ trương đầu tư thì Chính phủ cũng không tiến hành xây dựng. Sau đó, Thủ tướng có chỉ đạo và Bộ GTVT đã tiến hành tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) nhằm làm rõ thêm những vấn đề báo cáo tiền khả thi chưa đáp ứng yêu cầu mà đại biểu (ĐB) đã nêu như môi trường, công nghệ, vốn, sức chịu đựng của nền kinh tế…” - Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho hay.

Phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị

Là ĐB đầu tiên nêu lại vấn đề ĐSCT Bắc-Nam, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho biết trong văn bản trả lời của bộ trưởng đối với ông về dự án ĐSCT có trích lời của Chủ tịch QH nói là giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu. “Đây là một đoạn trích trong lời phát biểu bế mạc của Chủ tịch QH. Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL thì lời bế mạc của Chủ tịch QH không phải là VBQPPL. Vậy Bộ GTVT, Chính phủ đã dựa vào căn cứ pháp lý nào để tái khởi động dự án trên?” - ông Thuyết hỏi.

Chủ đề về đường sắt cao tốc Bắc-Nam lại tiếp tục được nhiều đại biểu nêu ra trong buổi chất vấn. Trong ảnh: Một đường sắt cao tốc hiện đại ở Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Tỏ ra khá bình tĩnh, Bộ trưởng Dũng khẳng định QH chưa thông qua nhưng cũng không kết luận dừng nghiên cứu. Ngược lại, vẫn cho phép Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để trình kỳ họp khác. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ phối hợp nghiên cứu và việc đưa vào dự thảo về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 có đề cập đến việc xây dựng ĐSCT là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị cũng khẳng định đường sắt là một trong những ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, cần được ưu tiên phát triển đi trước một bước theo hướng phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại, bền vững, phục vụ hiệu quả cao nhất cho sự phát triển của đất nước... “Như vậy, căn cứ vào những kết luận của Đảng và đối chiếu theo những quy định pháp luật, chúng tôi thấy việc nghiên cứu dự án đường sắt này là việc làm cần thiết và đúng luật” - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, tất cả chỉ dừng ở mức nghiên cứu lập dự án. Còn đầu tư thế nào nếu Chính phủ thấy cần thiết thì sẽ trình QH, QH quyết thì Chính phủ mới đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, theo ĐB Thuyết, lời người điều khiển phiên họp có thể nói để động viên nhưng đó không phải là VBQPPL. “Chủ trương của Bộ Chính trị tôi nhất trí, quyền của Chính phủ tôi nhất trí nhưng đừng lôi QH vào đây. Các đồng chí đừng nói đây là QH đã thống nhất, sau này người dân phán xét các ĐBQH thì tính thế nào” - ông Thuyết nói.

Đã làm thì phải đi ngay vào hiện đại

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng khi đất nước còn nghèo như hiện nay, nhu cầu cần được ưu tiên hàng đầu là sớm cải thiện hệ thống đường sắt trong cả nước, đặc biệt là đường sắt Bắc-Nam, ưu tiên hàng đầu là đường đôi khổ 1435. Vậy quan điểm của Chính phủ và Bộ GTVT có coi đây là ưu tiên hàng đầu hay không? Nếu so sánh với ĐSCT thì phương án nào được ưu tiên trước hết?

Ông Dũng trả lời: Đường sắt hiện tại khổ 1 m đã có 130 năm rồi. Vì thế, nếu bây giờ hiện đại hóa đường sắt này để làm đường sắt 1,435, rồi đường sắt 1,435 đôi ở trên tuyến này là không khả thi. Để làm đường sắt 1,435 ngay trên tuyến này sẽ phải ngưng sử dụng vài ba năm thì giao thông sẽ bị tê liệt. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục các dự án để nâng cấp và hiện đại hóa từng phần một đường sắt 1 m hiện có để trước mắt cũng như lâu dài phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vùng và Bắc-Nam, phục vụ vận chuyển ở cự ly ngắn. Tiếp đó, chúng ta phải quy hoạch một tuyến đường sắt mới, khổ 1,435 cơ khí hóa và điện khí hóa theo hướng hiện đại. “Chúng ta đang theo hướng đã làm là phải đi ngay vào hiện đại, nếu chúng ta làm từng bước thì không kịp. Vì bây giờ đường sắt của người ta đã lên tới tốc độ 300 km/giờ, thậm chí 600 km/giờ, nếu chúng ta cứ làm theo cách cũ thì sẽ đi sau mãi. Cho nên hướng là phải đi ngay vào hiện đại” - ông Dũng nhấn mạnh.

Cần nhạc trưởng xử lý “hố tử thần”

ĐB Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM: Cử tri TP.HCM rất lo lắng về tình trạng “hố tử thần”. Bên cạnh những nguyên nhân như triển khai dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, nền đất yếu, khai thác nước ngầm chưa kiểm soát, thì còn do sự chồng chéo, phân công, phân cấp chưa hợp lý trong quản lý nhà nước. Hướng xử lý nên chăng có mô hình quản lý thống nhất về công trình ngầm để chúng ta có một đầu mối, một nhạc trưởng xử lý vấn đề công chính, nhất là ở những đô thị lớn, không để chồng chéo và cắt khúc như hiện nay.

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Việc ĐB nêu là hoàn toàn chính xác. Vì sau khi tách giao thông và quản lý xây dựng thì các nhiệm vụ này đưa về các sở xây dựng, như vậy giữa hai sở có chồng chéo trong quản lý. Vấn đề này các TP lớn đều có báo cáo và Bộ đang tập hợp. Xử lý vấn đề này bản thân các sở GTVT cũng gặp khó khăn, bởi đầu tư xây dựng về hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của mình nhưng lại phải đi xin hay phải báo cáo sở xây dựng về tất cả quy trình thẩm định... Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề, chúng tôi đang nghiên cứu cụ thể và sẽ bàn với Bộ Xây dựng rồi báo cáo Chính phủ để phân công cho rõ hơn.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới