Vừa lái xe máy, vừa sử dụng điện thoại là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Thói quen xấu này là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Chính vì thế, pháp luật đã quy định cấm sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông để đảm bảo tính an toàn.
Dù vậy, ghi nhận trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM, không khó để bắt gặp hành vi vừa lái xe máy vừa sử dụng điện thoại. Phần lớn đối tượng vi phạm là các bạn trẻ, tài xế công nghệ, người giao hàng... Bất chấp bị pháp luật nghiêm cấm, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, nhiều người vẫn vô tư dùng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông với vô vàn lý do.
Sử dụng điện thoại di động trong lúc điều khiển phương tiện giao thông khiến phản xạ và cảm nhận xung quanh của tài xế giảm đi đáng kể. Nhiều trường hợp do mất tập trung đã không thể phản ứng kịp khi xảy ra tình huống bất ngờ, gây va chạm, thậm chí xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Anh T.T. Đạt (32 tuổi, ngụ quận 1) làm nghề giao hàng được 3 năm chia sẻ: “Dù biết là vừa chạy xe vừa dùng điện thoại là vi phạm luật giao thông, có thể xảy ra tai nạn nhưng do ‘đặc thù công việc’ nên tôi cũng không biết phải làm sao. Để nhận được nhiều đơn thì tôi phải tận dụng thời gian, tranh thủ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”.
Anh N. V. Tiến (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ: “Tôi rất quan ngại việc người tham gia giao thông sử dụng điện thoại khi đang lái xe, có lần tôi bị họ tông nhẹ đuôi xe, quay lại nhìn thấy họ đang cầm điện thoại trên tay, đặc biệt là các anh giao hàng, tình trạng như này sẽ gây ra tai nạn khó lường cho người khác”.
Theo điểm h của khoản 4 và điểm b, điểm c của khoản 10 tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung tại điểm g của khoản 34 và điểm c của khoản 35 tại Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe có các mức phạt rõ ràng đối với người vi phạm như sau:
- Đối với người có hành vi vừa sử dụng điện thoại di động, các thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) vừa điều khiển các loại xe như xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện hoặc các loại xe tương tự như xe mô tô và các loại xe tương tự như xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ.
- Ngoài việc phải chịu mức phạt tiền như trên, khi người điều khiển xe mô tô hay xe gắn máy (kể cả xe máy điện) hay các loại xe tương tự như xe mô tô, xe gắn máy vi phạm lỗi trên còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung dưới đây:
Người điều khiển phương tiện sẽ có thể bị bỏ tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện sẽ có thể bị tước bỏ quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng nếu người lái xe thực hiện hành vi vi phạm và gây ra tai nạn giao thông.
Mặc dù pháp luật đã đưa ra chế tài xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, một trong những giải pháp hiệu quả nhất vẫn là việc không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động khi đang tham gia giao thông dưới bất kì hình thức nào.