Tai nạn giao thông, nỗi đau không dứt

Ông Phùng Xuân Hùng kêu xe ôm đi đâu đó rồi quay về. Xe ôm thả ngay trước chung cư ông ở (đường Trần Thiện Chiếu, phường 14, quận 5, TP.HCM) nhưng ông loay hoay mãi mà không tìm được đường về nhà. Thấy bà Nguyễn Thị Trang, ông mừng rỡ cầm tay bà theo về nhà. Nước mắt bà giàn giụa.

Chết một đêm, khổ cả đời

Cách đây 14 năm, ông Hùng là công nhân điện của một công ty ở Tân Bình. Một hôm trên đường đi làm, ông bị một thanh niên chạy từ trong hẻm lao nhanh tông thẳng vào. Sau cú tông trời giáng, ông không còn biết gì nữa. Bằng giọng nói khó nhọc, đứt quãng, ông kể lại: “Tôi tỉnh dậy trong bệnh viện (BV), không biết gì cả. Một bác sĩ nói cho tôi biết khi tới BV cấp cứu tôi đã trong trạng thái không qua khỏi, BV chuyển xuống nhà xác đợi thân nhân đến nhận. Sáng hôm sau một nhân viên y tế thấy tôi mở mắt, tôi lại được đem lên cấp cứu”.

Sống lại sau một đêm ở nhà xác nhưng vì trong người ông không có giấy tờ tùy thân nên BV không liên lạc được với người nhà. Ông nằm im bất động trong BV 12 ngày thì bạn đồng nghiệp tìm gặp được. Các con ông cho biết trong nhà đã tính chuyện lập bàn thờ khi không thấy cha về.

Sau ngày định mệnh đó, ông Hùng phải chữa trị trong BV ròng rã nhiều tháng trời, tiền bạc trong gia đình cũng cạn kiệt theo. Thời gian đó, bà Nguyễn Thị Trang đi nuôi bệnh từ thiện làm công quả, thấy thương hoàn cảnh ông nên ở lại chăm sóc ông tận tình cho đến bây giờ. Rồi họ trở thành bạn đời của nhau. Từ ngày họ về chung nhà, bà vẫn trong vai người chăm sóc, ông vẫn là bệnh nhân. Ông Hùng nói: “May mà tôi gặp bả…”. Rồi ông vén tóc, cho thấy nửa đầu bên trái của ông đã mất đi một mảng hộp sọ, chỉ có lớp da bao bọc vết hõm trông rất đáng sợ. Hằng ngày ông sống cùng các loại thuốc men với nhiều chứng bệnh kéo dài.

Cuộc sống của ông Phùng Xuân Hùng nay phải nhờ vào sự chăm sóc hằng ngày của bà Trang.  Ảnh: HỒNG MINH

Mất cả gia đình khi mới lên bốn tuổi

Em Trần Công Chánh học lớp 5, hiện ở với bác ruột tên Trần Thành Nhân ở số nhà 16 ấp Trường Giang, xã Trường Tây, Hòa Thành, Tây Ninh. Gia đình nghèo này là tất cả những gì Chánh có trên đời. Mỗi lần ông Nhân chở cháu đi học, hễ có chiếc xe máy nào vù ngang qua, Chánh lại vội bám chặt vào ông, sợ hãi.

Khi Chánh mới ba tuổi, cha em là công nhân, bị tạm giữ để điều tra về một vụ tai nạn lao động. Sau kíp trực, thay vì ngắt cầu dao điện, ông lại đẩy nhầm cần gạt đóng nối điện khiến máy móc trong xưởng bất ngờ hoạt động làm một đồng nghiệp bị cuốn vào máy thiệt mạng. Mẹ Chánh chở Chánh và chị gái đi thăm cha. Trên đường đi, một chiếc xe đã hất văng cả ba mẹ con lên lề đường. Chị gái em chết tại chỗ, mẹ em chết tại BV, chỉ có mình Chánh sống sót.

Cha của Chánh được tòa xử án treo, ông về nhà đi làm mướn nuôi con. Gần ngày giỗ đầu của vợ, ông chạy xe ra ngoài mua đồ ăn thì bị một chiếc xe phóng quá nhanh lao thẳng vào. Vụ tai nạn kinh hoàng đó đã khiến ông tử vong tại chỗ, để lại đứa con mồ côi cả gia đình vì hai trận tai nạn giao thông (TNGT) khi mới bốn tuổi.

Sau những bi kịch của gia đình, Chánh gần như không tập trung học nổi, em hay nói chuyện một mình. Người bác của Chánh cho biết: “Tội nghiệp, ai trải qua như nó mà không khờ luôn mới lạ. Không biết tương lai cháu tôi rồi sẽ ra sao. Tôi chỉ biết cố hết mình nuôi nấng cháu và cầu trời đừng có vụ TNGT nào xảy ra khủng khiếp như vậy nữa…”.

Thăm hỏi nạn nhân bị tai nạn giao thông

Sáng 17-11, Ban An toàn giao thông (ATGT) và Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp tổ chức thăm hỏi nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT.

Đoàn đã đến thăm hỏi ba gia đình tại huyện Nhà Bè và một gia đình tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Mỗi phần quà gồm 3 triệu đồng và hai chiếc mũ bảo hiểm.

Tai nạn giao thông, nỗi đau không dứt ảnh 2

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, trao quà, động viên anh Võ Hoàng Chơn (huyện Bình Chánh) có vợ mất do TNGT. Ảnh: HỒNG TRÂM

Tại huyện Nhà Bè, đoàn đã đến thăm gia đình anh Nguyên Hoàng Phúc (đã mất), gia đình anh Nguyễn Ngọc Sáng (đã mất) và gia đình anh Đào Công Nhật (đã mất). Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM (trưởng đoàn), đã bày tỏ sự chia sẻ trước mất mát, đau thương của gia đình. Đồng thời, ông Lâm động viên người nhà nạn nhân cố gắng giữ tinh thần, chăm lo cho cuộc sống, hy vọng mọi người sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông để không xảy ra những tai nạn thương tâm.

Tại huyện Bình Chánh, đoàn đã đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan (đã mất) vì TNGT. Chia sẻ cảm xúc, anh Võ Hoàng Chơn (chồng chị Loan) cho biết: “Từ ngày vợ tôi mất đi, ba cha con phải sống nương tựa vào nhau rất cực khổ. TNGT đã cướp mất đi hạnh phúc của chúng tôi. Cũng may nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, tôi cảm kích vô cùng”.

HỒNG TRÂM

Hậu quả khủng khiếp

Mỗi ngày trôi qua trên đất nước Việt Nam, TNGT lại cướp đi sinh mạng của 24 người và làm cho gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến sự đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè những người bị nạn.

Đau lòng hơn là phía sau cái chết của những nạn nhân tử vong, trong ánh nhìn tuyệt vọng của những nạn nhân không còn khả năng lao động là những em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những bậc cha mẹ già không còn nơi nương tựa. Phía sau những vụ tai nạn là nguy cơ đói nghèo của hàng chục ngàn gia đình… Đây là điều không thể chấp nhận được với một dân tộc đang sống trong hòa bình.

(Trích thông điệp hưởng ứng ngày thế giới tưởng niệm
các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2016
của Ủy ban ATGT Quốc gia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm