Tai nạn rình rập trên quốc lộ 1

Quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai) chỉ dài khoảng 10 km nhưng hiện có đến ba dự án lớn cùng lúc triển khai. Đó là dự án xây cầu Đồng Nai mới, dự án hầm chui tại vòng xoay Tam Hiệp và dự án cầu vượt bằng thép ở ngã tư Amata. Đây đều là các công trình quan trọng nhưng việc tổ chức phân luồng giao thông và tổ chức thi công thiếu an toàn, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Ám ảnh ngã tư Vũng Tàu

Dự án BOT xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến đường hai đầu cầu do Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (DNC) là đơn vị thi công. Dự án được triển khai từ tháng 6-2008, đến nay đã hơn sáu năm vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng. Lần gần nhất, chủ đầu tư xin dời ngày hoàn thành từ tháng 8-2014 sang tháng 11-2014 nhưng rồi lại tiếp tục trễ hẹn.

Những ngày đầu năm 2015, có mặt tại khu vực cầu Đồng Nai mới, chúng tôi nhận thấy nhà thầu đang khẩn trương thi công các đường gom, mở rộng mặt đường, hoàn thiện đường chui dưới cầu Đồng Nai… Ở phần đường dẫn vào trạm thu phí có nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ gà lớn không được dặm vá trở thành cái bẫy cho người đi xe máy. Tại một số đoạn, đơn vị thi công đào hố sâu 2-3 m nhưng không có hàng rào che chắn hay biển cảnh báo. “Mỗi lần qua đây là mỗi lần run. Bụi mù trời nên nhiều lúc không thấy rõ đường, lỡ lạc tay lái một chút là sụp ổ gà hay lao xuống hố như chơi” - chị Tuyết Hồng, ngụ TP Biên Hòa, ngán ngẩm sau khi vất vả vượt qua đoạn đường trên.

Một vụ tai nạn chết người vừa xảy ra cuối năm 2014 tại ngã tư Vũng Tàu. Ảnh: T.DŨNG

Việc thi công cầu vượt Amata thiếu an toàn khiến người dân lo lắng. Ảnh: T.DŨNG

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, trong năm 2014 tại khu vực ngã tư Vũng Tàu đã xảy ra tám vụ TNGT chết người, cao hơn khá nhiều so với năm trước. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng từ việc thi công dự án cầu Đồng Nai mới gây ra.

Tai nạn chực chờ

Ngoài khu vực ngã tư Vũng Tàu, việc thi công dự án tại vòng xoay Tam Hiệp và ngã tư Amata cũng tạo nên những “điểm đen” về TNGT trên địa bàn TP Biên Hòa. Theo người dân địa phương, trước đây giao thông tại các khu vực này vốn đã phức tạp do có mật độ phương tiện rất cao. Đến khi đơn vị thi công rào chắn để xây cầu vượt bằng thép ở ngã tư Amata và hầm chui vòng xoay Tam Hiệp, việc lưu thông qua khu vực này lại càng thêm vất vả, nguy hiểm.

Tại công trình cầu vượt bằng thép ở ngã tư Amata, một số đoạn đường nhánh (trước siêu thị Lotte Mart và Công ty Bia Sài Gòn - Đồng Nai) trước đây các phương tiện giao thông được di chuyển hai chiều nhưng hiện chỉ cho phép chạy một chiều. Vào giờ cao điểm, nhiều người ngại đi xa nên vẫn cố tình chạy ngược chiều, bất chấp việc đối đầu với ô tô các loại. Do không có lực lượng phân luồng giao thông nên tình trạng kẹt xe xảy ra như cơm bữa.

Ngay giữa ngã tư Amata, mặt đường bị chia cắt thành từng đoạn nhỏ để thi công nhưng xung quanh chỉ được che chắn bởi những hàng rào tạm bợ. Còn trên cao, cần cẩu thường xuyên cẩu những tấm sắt, khối bê tông nặng hàng tấn lơ lửng qua lại khiến người đi đường dựng tóc gáy.

“Từ hồi làm cầu đến giờ ngày nào cũng kẹt xe. Có ngày chỉ kẹt vào giờ cao điểm sáng-chiều nhưng có khi kẹt xe cả ngày vì lưu lượng xe qua đây rất nhiều mà đường tại đoạn này rất hẹp. Tai nạn xảy ra thường xuyên. Bây giờ đi qua khu vực này bất an lắm” - anh Nguyễn Văn Tuân, chạy xe ôm tại khu vực ngã tư Amata, nói.

Tại khu vực thi công hầm chui vòng xoay Tam Hiệp cũng diễn ra tình trạng tương tự. “Từ khi thi công hầm chui, tình trạng kẹt xe diễn ra rất nghiêm trọng. Va quẹt xảy ra thường xuyên. Đi qua đây hằng ngày thật sự là nỗi ám ảnh của nhiều người” - ông Hồ Văn Phương, ngụ phường Long Bình, gần khu vực vòng xoay Tam Hiệp, cho biết.

TIẾN DŨNG

Tại cuộc họp cuối năm 2014, ông Trần Minh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa, đồng thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua khu vực dự án. Tuy nhiên, chỉ đạo này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Tình trạng thiếu an toàn giao thông diễn ra tại các dự án trọng điểm là do các nhà thầu chưa bố trí đủ các biển báo, tổ chức thi công và phân luồng giao thông chưa hợp lý... Sắp tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ phối hợp với Sở GTVT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh xử lý nghiêm các đơn vị thi công gây mất an toàn giao thông.

Ông NGUYỄN BÔN, Chánh  Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm