Ngày 22-3, Bộ GTVT chính thức phát đi thông tin khẳng định chưa thể thu phí trạm BOT Cai Lậy như dự kiến (ngày 25-3).
Lưu lượng xe qua trạm 26.214 lượt/ngày đêm
Theo Bộ GTVT, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang (ngày 14-3), hai bên thống nhất tổ chức thu tiền dịch vụ tại trạm Cai Lậy dự kiến từ ngày 25-3. Đồng thời, mở rộng phạm vi miễn, giảm giá từ bán kính 5 km lên 10 km (tương ứng từ 8 lên khoảng 31 xã, phường).
Thời gian thu phí trở lại vẫn chưa được chốt.
“Tuy nhiên, đến nay công tác trên chưa hoàn thành, do vậy thời gian dự kiến thu phí như dự kiến chưa thể thực hiện. Bộ GTVT đang tích cực khẩn trương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan rà soát để thống nhất phương tiện miễn, giảm nhằm sớm thu tiền dịch vụ trở lại. Thời gian chính thức sẽ thông báo đến người dân …”, Bộ GTVT khẳng định.
Liên quan đến trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho biết sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị triển khai thực hiện khảo sát lưu lượng giao thông trong bốn ngày (liên tục 24/24h).
Kết quả, lưu lượng phương tiện trung bình qua dự án khoảng 26.214 lượt/ngày đêm. Trong đó, trên quốc lộ 1 khoảng 16.779 lượt/ngày đêm và trên tuyến tránh khoảng 9.435 lượt/ngày đêm.
Về tổng mức đầu tư dự án, qua rà soát, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư dự án (có cập nhật kết luận của Thanh tra, Kiểm toán). Kết quả, tổng chi phí đầu tư là 1.380,94 tỉ đồng. Trong đó, tuyến tránh 680,77 tỉ đồng; tăng cường mặt đường quốc lộ 1 là 379,73 tỉ đồng; xây trạm thu phí 100,64 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng 219,80 tỉ đồng.
Sau đó, Bộ GTVT họp lấy ý kiến các Bộ và địa phương để hoàn chỉnh phương án xử lý bất cập báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ năm phương án xử lý bất cập tại trạm BOT Cai Lậy. Trong đó, lựa chọn ưu tiên hai phương án. Một là giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy, thực hiện giảm giá cho các phương tiện và mở rộng phạm vi giảm giá cho nhân dân khu vực lân cận trạm. Hai là xây dựng thêm một trạm trên tuyến tránh, thu trên cả hai trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.
“Giữ nguyên trạm là lựa chọn hợp lý”
Tiếp đến Bộ GTVT làm việc với địa phương về hai phương án trên theo chỉ đạo của Chính phủ. Các phương án đưa ra thảo luận, xin ý kiến.
Ngày 1-6-2018, Bộ GTVT họp và báo cáo đánh giá ưu, nhược điểm các phương án với Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện, thị xã có liên quan của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, ngày 27-8-2018, Bộ GTVT làm việc với các Bộ: Công an, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Thông tin và truyền thông; UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư.
“Đại diện các Bộ có ý kiến Phương án một (giữ nguyên trạm) là lựa chọn hợp lý, có nhiều ưu điểm hơn…”, Bộ GTVT thông tin.
Tiếp đến, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của Bộ GTVT. Ngày 23-11-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với địa phương và các bộ, ngành liên quan để quyết định phương án cụ thể.
“Cuối cùng, ngày 20-12-2018, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay…”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT nhiều lần làm việc trực tiếp với Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang để thống nhất phương án triển khai. Bộ GTVT và trực tiếp là Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo nhà đầu tư hoàn tất công tác sửa chữa, bảo trì công trình dự án, phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương kiểm tra, rà soát lại công tác bảo trì, ATGT đảm bảo khai thác an toàn.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư đã phối hợp với chính quyền các địa phương có liên quan để xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự khi trạm Cai Lậy hoạt động trở lại.
Trên cơ sở thống nhất của địa phương và nhà đầu tư, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận mở rộng vùng giảm giá dịch vụ cho các phương tiện lân cận trạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đến nay là 8 xã, phường).
Phương án thu phí tại BOT Cai Lậy như thế nào?
Bộ GTVT cũng cho biết, với kết luận của Chính phủ, đơn vị sẽ thực hiện giảm phí. Cụ thể, giảm giá tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm Cai Lậy (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng là 57%...) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận lên đến bán kính khoảng 10 km.
Phương án thu phí: Tổ chức thu tiền dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng và một dừng (thu kết hợp không dừng và một dừng ở hai làn hỗn hợp phía ngoài cùng). Theo lộ trình, sẽ thu tự động không dừng cho tất cả các làn.
Về tổ chức giao thông, sẽ phân luồng các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm thị xã Cai Lậy (trừ các xe có nhu cầu giao dịch trong trung tâm thị xã Cai Lậy sẽ được Sở GTVT Tiền Giang cấp phép). Việc phân luồng sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp căn cứ điều kiện giao thông thực tế và đề xuất của địa phương.
“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, triển khai theo phương án này có nhiều ưu điểm hơn các phương án còn lại. Cụ thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh; đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, tránh ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho trung tâm thị xã Cai Lậy. Đặc biệt, không phải bổ sung chi phí xây dựng trạm thu phí, chi phí tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo việc an toàn giao thông thông suốt, không phá vỡ phương án tài chính của dự án…”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Trạm BOT Cai Lậy thu phí cho tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang) khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 1.389 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang. Khi dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thử, đầu tháng 8-2017, trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt trên quốc lộ 1. Thời gian thu phí dự kiến ban đầu là 6 năm 5 tháng với mức phí dao động từ 35.000 đồng - 180.000 đồng tùy từng nhóm xe. Tuy nhiên, ngay ngày đầu thu phí, trạm BOT này đã vấp phải sự phản đối của giới tài xế. Đầu tháng 12-2017 trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm ngưng thu phí cho đến nay. |