Chiều 25-2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp báo về phương án tổ chức thu phí trở lại đối với dự án BOT Cai Lậy để hoàn vốn đầu tư công trình QL1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 (tỉnh Tiền Giang).
Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Cường – Phó giám đốc hành chính Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang cho biết, sau hơn một năm dừng thu phí nhà đầu tư BOT Cai Lậy đã lỗ hơn 130 tỉ đồng trong đó gồm lãi vay ngân hàng, tiền sửa chữa bảo dưỡng đường, mặt đường. Công việc làm ăn của công ty đi hiện nay đã đi vào ngõ cụt.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Hải Dương
“Hiện nay chúng tôi chọn giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép là thu phí lại và giảm giá 63% (giá vé từ 35.000 xuống còn 15.000 đồng/lượt xe con. Dù giảm giá thu như vậy nhưng chi phí vận hành của vẫn chừng đó, đó là gánh nặng của nhà đầu tư mà đã chịu đựng hơn một năm nay"- Ông Cường nói.
Lo ngại trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại sẽ gặp sự phản đối của cánh tài xế, nhà đầu tư có giải pháp nào để đảm bảo không gây ách tắt giao thông tại khu vực trạm BOT?.
Ông Cường nói: “Là doanh nghiệp chúng tôi chẳng có biện pháp gì cả, nếu tài xế đưa tiền chẵn thì chúng tôi chọn ra một làn để thối lại tiền, nếu đưa tiền lẻ thì chúng tôi chọn ra làn khác để đếm tiền. Còn nếu kẹt xe tụi tui xuống năn nỉ tài xế, giải thích cho họ hiểu rõ hơn về dự án”.
Theo ông Nguyễn Viết Huy – Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT cho biết, hiện nay pháp luật không có quy định nào về việc hỗ trợ các chính sách nhà nước về khoản thiệt hại của nhà đầu tư.
Tuy nhiên việc dừng thu phí không phải là do nhà đầu tư mà là do cơ quan nhà nước dừng để rà soát. Do đó sẽ rà soát lại hợp đồng tín dụng và hợp đồng BOT để xem xét tính toán đối với khoản lãi không trả đúng hạn, còn các khoản thiệt hại, chi phí hoạt động thì nhà đầu tư phải chịu.
Sau khi BOT Cai Lậy đi vào hoạt động trở lại, nhà đầu tư sẽ tự cân đối từ khai thác dự án để bù lỗ số tiền nói trên.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy từng gây mất an ninh trật tự trong thời điểm thu phí
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, dự án đã dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hơn một năm (từ tháng 8-2017), nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và ngân hàng cho vay vốn lo ngại về khả năng thu hồi vốn. Để sớm giải quyết các khó khăn của dự án, cần sớm thu giá dịch vụ trở lại đối với Dự án BOT Cai Lậy.
Phương án thu giá giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với BOT Cai Lậy được các Bộ, ngành thống nhất là giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay (trạm thu phí Cai Lậy). Giảm giá tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm thu phí Cai Lậy (Xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng là 57%...) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận lên đến khoảng 10km.
Việc tổ chức thu giá dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng và một dừng (thu kết hợp không dừng và một dừng ở 02 làn hỗn hợp phía ngoài cùng). Theo lộ trình, sẽ thu tự động không dừng cho tất cả các làn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, để BOT Cai Lậy thu phí trở lại, Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư sửa chữa, khắc phục toàn bộ dự án. Về thời gian thu phí trở lại đối với dự án BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, “Buổi họp báo là để lấy kiến đóng góp của báo chí về trạm thu phí BOT Cai Lậy, xem còn những vấn đề bất cập gì đề xuất cần tiếp tục xử lí, từ đó chúng tôi tập hợp lại trình lãnh đạo Bộ GTVT giải quyết. Sau đó Bộ GTVT mới quyết định thời gian chính thức thu phí trở lại”.
Cũng theo Bộ GTVT, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và tránh ùn tắc giao thông khi tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Cai Lậy, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí chia sẻ. Cần tuyên truyền kịp thời, khách quan, đúng bản chất vấn đề đối với dự án đến người dân và các chủ phương tiện, người tham gia giao thông, chấp hành pháp luật của Nhà nước và ủng hộ chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trong điều kiện ngân sách nhà nước rất hạn hẹp.