Đó là khẳng định của ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế Viện Nhà nước và pháp luật, tại tọa đàm xu hướng chính sách đối với mô hình kinh tế nền tảng, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 1-8.
Nhiều đại biểu cho rằng sự ra đời của các công ty công nghệ đem lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: VIẾT LONG
Cũng theo ông Dương, việc các công ty công nghệ ra đời dù có nhiều tranh cãi trong việc định danh, tuy nhiên chắc chắn một điều được thừa nhận rộng rãi rằng, các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ, người ta có thể lựa chọn một hoặc một số các công đoạn để đầu tư. Đây cũng chính là lý do để kinh tế nền tảng có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Đồng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, cho rằng từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy phần lớn các nước trong khu vực không coi nền tảng kết nối xe là dịch vụ vận tải. Việc coi nền tảng kết nối là dịch vụ vận tải sẽ gây tác động tiêu cực tới phát triển nền tảng, làm giảm thế mạnh của các đơn vị công nghệ là xử lý hệ thống dữ liệu lớn và kết hợp với trí tuệ nhân tạo để đề xuất phương tiện và giá.
“Việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hợp lý. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một kênh liên lạc đơn thuần”, ông Ngô Trí Long nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia này, Nhà nước cần có một quan điểm nhất quán, thống nhất và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng. Đồng thời, cần có cách nhìn bao quát cũng như có cơ chế phối hợp liên ngành tốt hơn khi soạn thảo chính sách liên quan đến kinh tế nền tảng. Việc ban hành chính sách rời rạc theo từng ngành, thậm chí thiếu nhất quán sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số…