Tài xế lái xe bị đột quỵ gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?

(PLO)- Theo Luật sư, việc khám sức khoẻ cho người thi bằng lái xe hiện nay rất nghiêm nhằm tránh các trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe, tuy nhiên sức khoẻ của người lái xe sau khi cấp bằng lái khó kiểm soát được các vấn đề phát sinh. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian vừa qua, nhiều vụ tai nạn liên quan đến vấn đề sức khoẻ của người lái xe, ví dụ như tài xế bị đột quỵ gây tai nạn liên hoàn. Nhiều người thắc mắc trong trường hợp này sẽ xử lý ra sao?

Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Như chúng ta đã biết tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21-8-2015 có quy định người mắc các bệnh tâm thần, thần kinh, một số bệnh về mắt, tai mũi họng, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết như đái tháo đường (tiểu đường) có tiền sử hôn mê do đái tháo đường trong vòng 1 tháng… thì không đủ điều kiện lái ô tô…”.

Theo LS Tuấn, hơn nữa đối với người mắc các bệnh tim mạch như: Tăng huyết áp, các bệnh viêm tắc mạch, dị dạng mạch máu, các rối loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành, ghép tim, suy tim… cũng không được phép lái ô tô hay người sử dụng thuốc, chất có cồn, ma tuý và các chất hướng thần khác cũng không đủ điều kiện lái ô tô.

“Với các điều kiện như trên, thì việc cấp phép lái xe rất nghiêm, nhằm tránh các trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe mà lái xe. Tuy nhiên khi có bằng lái nhưng phát sinh các triệu chứng bệnh lý nêu trên là việc không thể lường trước được mà chúng ta chỉ có thể khám sức khỏe định kỳ, nhằm hạn chế không đủ sức khỏe mà lái xe an toàn hơn”- LS Tuấn cho hay.

xe-16-cho-tong-lien-hoan-nghi-do-tai-xe-dot-quy-duong-truong-chinh-ket-cung-1.jpg
Nghi tài xế bị đột quỵ, chiếc xe 16 chỗ tông trúng gốc cây sau khi va chạm với hai xe máy ở khu vực Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Theo LS, quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT thì người sử dụng lái xe ô tô phải có trách nhiệm: "Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe ô tô thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật về lao động".

“Như vậy, lái xe khách bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ, đồng thời, tài xế phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe”- LS nhấn mạnh.

Cũng theo LS Tuấn, nếu người sử dụng lao động lái xe ô tô có hành vi không khám sức khỏe định kỳ cho tài xế lái xe thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm k Khoản 2 và Điểm a Khoản 7 Điều 28 Nghị định 46/2016.

Cụ thể, bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định.

“Ngoài ra chúng ta nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1-2 lần/năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe, đó là bảo vệ bản thân mình”- LS Tuấn nói thêm.

Theo LS Tuấn, có thể tạm ngưng giấy phép nếu thấy tài xế có vấn đề về sức khỏe cho đến khi mọi chuyện được kiểm soát ổn định. Vì sẽ không an toàn khi một tài xế thường xuyên bị chóng mặt, hoặc có mức huyết áp cao hoặc rất cao trong mỗi lần đi khám, nhất là khi tài xế phải thường xuyên lái xe ban đêm. Điều này hết sức quan trọng vì có thể liên quan tính mạng của rất nhiều người.

“Hiện nay một số trường hợp, tài xế xe khi đang lưu thông thì đột quỵ xảy ra với các tài xế dù chuyên nghiệp hay không, là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người”- LS chia sẻ.

Người lái xe khi tham gia giao thông phải đảm bảo các điều kiện nào?

LS Bùi Quốc Tuấn phân tích, căn cứ Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông: Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Khi tham gia giao thông đường bộ người lái xe phải tuân thủ nguyên tắc nào?

Tại Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người lái xe khi tham gia giao thông phải tuân thủ các nguyên tắc theo luật trên, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Vậy khi gây tai nạn thì trách nhiệm như thế nào?

Căn cứ Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tùy theo tính chất và mức độ thì luật quy định, mức cao nhất là thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm và phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm….

“Tuy nhiên khi xảy ra tình huống bị đột quỵ, thì tùy tính chất và mức độ cơ quan điều tra sẽ xem xét, miễn trách nhiệm hình sự hay không thì cần phải có các yếu tố khác: giám định về sức khỏe, tình trạng khi xảy ra sự việc…trách nhiệm của chủ phương tiện, người sử dụng lao động…cần xem xét kỹ, trách nhiệm dân sự…theo đó mà xem xét từng trường hợp làm căn cứ miễn hay giảm trách nhiệm hình sự….

Còn sự việc xảy ra mà gây chết người, thiệt hại về tài sản thì căn cứ vào tính chất mức độ mà xử lý theo quy định pháp luật”- LS cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm