Tài xế ô tô tải va chạm làm bé gái tử vong ở Bình Dương phải đối mặt với mức phạt ra sao?

(PLO)- Vụ tai nạn giữa tài xế ô tô tải và người phụ nữ chạy xe máy ở Bình Dương khiến một bé gái tử vong: Tài xế phải đối mặt với mức phạt ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin vụ việc, vào chiều ngày 30-10, một phụ nữ điều khiển xe máy chở theo hai con nhỏ lưu thông trên đường tại thị xã Bến Cát, Bình Dương thì xảy ra va chạm với một chiếc xe tải.

Cú va chạm mạnh khiến cả ba mẹ con ngã ra đường. Bé gái học lớp 3 bị xe tải tông trúng, tử vong tại chỗ. Ngay sau khi xảy ra tai nạn, tài xế đã lái xe tải bỏ chạy khỏi hiện trường.

Hiện trường tài xế gây ra tai nạn ở Bình Dương.
Hiện trường tài xế gây ra tai nạn ở Bình Dương. Ảnh: PLO

Sự việc khiến cho nhiều người đặt ra vấn đề pháp lý ở đây là tài xế này phải đối diện với mức phạt ra sao.

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có các trách nhiệm sau:

- Dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

“Tại Khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm là hành vi bị nghiêm cấm”- Luật sư Mạch nói.

Về chế tài hành chính

Luật sư Mạch cũng phân tích, theo điểm b khoản 8, điểm đ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021), người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn thì bị phạt tiền 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng.

Về chế tài hình sự

Theo luật sư Mạch trong vụ việc này, người tài xế tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, làm chết 1 người (bé gái học lớp 3) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Đối với hành vi “gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” thì sẽ là tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù từ 3 - 10 năm”- luật sư Mạch cho hay.

Cũng theo vị luật sư này, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1 - 5 năm (khoản 6 Điều 260 Bộ luật Hình sự).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm