Tài xế vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông: “Cần tăng mức xử phạt”

(PLO)- Bạn đọc bày tỏ bức xúc khi có nhiều tài xế vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi lái xe, gây nguy hiểm cho người khác.

Pháp luật TP.HCM vừa có bài viết: “TP.HCM: Nhiều tài xế liên tục vượt đèn đỏ, sử dụng điện thoại khi lái xe” ghi nhận thông tin thời gian qua trên một số phương tiện truyền thông phản ảnh về một số vụ tai nạn liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, đặc biệt là xe buýt, xe taxi, người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Đơn cử như tài xế sử dụng điện thoại khi lái xe; dừng, đỗ xe sai quy định; không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ; lưu thông vào đoạn đường cấm, đường đi một chiều;…

Những hành vi trên đã gây ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông.

Ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này:

Còn rất nhiều trường hợp chưa bị xử lý

“Tôi thấy có rất nhiều tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại mà chưa thấy bị xử lý. Còn người tham gia giao thông mà nhắc nhở họ khi thấy họ làm ảnh hưởng đến giao thông thì bị họ xử trước, gây khó dễ nên riết cũng chả ai thèm nhắc luôn. Mong sẽ có biện pháp xử lý triệt để!”, bạn đọc Nguyễn Lê bày tỏ.

Camera ghi lại cảnh xe buýt vượt đèn đỏ tại trung tâm quận 1, TP.HCM, sáng 5-11

“Không chỉ lái xe bốn bánh mà những người đi xe hai bánh cũng dùng một tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe nhất là xe công nghệ, cần phải xử lý nghiêm. Nhìn mấy anh là hãi...lúc có hàng thì chạy bất kể - còn lúc khác thì vừa chạy vừa lướt điện thoại, xem như xung quanh chả có ai, mà tôi cũng chẳng thấy ai bị phạt bao giờ”, bạn đọc Văn Tùng bộc bạch.

“Tôi nghĩ cần nghiêm túc xem xét ban hành chế tài xử phạt gấp việc vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông vì quá nguy hiểm. Luật phải phạt nặng như uống rượu vì đã có những tai nạn lúc xài điện thoại đã được chứng minh”, bạn đọc Sơn Trần đề xuất.

“Đề nghị tăng hình phạt điều khiển xe ô tô sử dụng điện thoại di động. Điều này sẽ giúp hạn chế lái xe xử dụng điện thoại lúc điều khiển xe. Ngoải ra, Nhà nước nên khuyến khích cho người dân nào đưa thông tin video những tài xế đang tham gia giao thông mà sử dụng điện thoại cho CSGT để phối hợp xử lý. Mình đi trên đường rất rất thường xuyên thấy những xe tải và tất cả oto khi đang lái xe sử dụng điện thoại...”, bạn đọc Nhân Trần góp ý.

Khuyến khích tài xế chỉ dùng điện thoại để xem đường đi

“Sử dụng điện thoại khi lái xe là hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhưng ở chiều ngược lại, sử dụng điện thoại hoặc thiết bị dẫn đường hoặc phần mềm dẫn đường trên ô tô sẽ tăng thêm độ an toàn cho tài xế cũng như các phương tiện xung quanh thì nên khuyến khích chứ không nên cấm!”, bạn đọc Võ Minh chia sẻ.

“Dùng điện thoại dẫn đường có thể coi tương tự việc dùng bản đồ khi lưu thông, nghe radio trên xe hoàn toàn không gây mất tập trung như dùng điện thoại; khi lưu thông trong hầm thì đều có quy định là phải mở radio để theo dõi các thông báo giao thông. Khi nhìn điện thoại hoặc radio để theo dõi đường đi thì thỉnh thoảng mới nhìn hoặc nghe, thậm chí các phần mềm dẫn đường hiện tại đều có giọng nói để thông báo khi nào rẽ, khi nào đến...thì hoàn toàn có thể chấp nhận việc dùng điện thoại dẫn đường mà không ảnh hưởng tới an toàn giao thông. Còn ở đây nói về việc dùng điện thoại là cả mắt lẫn tai đều tập trung vào điện thoại, thậm chí còn dùng tay để quẹt, bấm...trên điện thoại thì rõ ràng việc dùng điện thoại như vậy là không thể lái xe được, cần xử phạt!”, bạn đọc Trương Kiệt phân tích.

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hạn chế nguy cơ tai nạn, Sở GTVT TP.HCM đề nghị các đơn vị liên quan theo phạm vi trách nhiệm thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng: Tổ chức rút kinh nghiệm, khẩn trương kiểm tra, rà soát nội bộ và có biện pháp chấn chỉnh khắc phục ngay, không để xảy ra các trường hợp tương tự. Chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình hoạt động vận chuyển hành khách theo quy định.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến tài xế, người điều khiển phương tiện..., thuộc quản lý đơn vị chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông như: tuân thủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, dừng đỗ đón trả khách đúng quy định, không sử dụng điện thoại khi lái xe; tài xế phải thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới