Taliban nói sẽ khôi phục các hình thức hành quyết và trừng phạt gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin AP hôm 23-9, ông Mullah Nooruddin Turabi, một trong những chỉ huy của Taliban, cho biết lực lượng này sẽ khôi phục các hình thức hành quyết và trừng phạt tội phạm gây tranh cãi.

Một trong những hình thức trừng phạt gây tranh cãi là chặt tay chân tội phạm. Theo ông Turabi, hình phạt này có tác dụng răn đe, thêm rằng nội các Taliban cũng đang nghiên cứu xem có nên trừng phạt nơi công cộng hay không và sẽ "xây dựng một chính sách" về vấn đề này.

Taliban quay trở lại các biện pháp trừng phạt hà khắc trước đây

Vị chỉ huy 60 tuổi từng là bộ trưởng tư pháp và là người đứng đầu "Bộ Tuyên truyền đức hạnh và Phòng chống tệ nạn" (hay còn gọi là "cảnh sát đạo đức" của Taliban) trước khi Mỹ can thiệp quân sự. Ông bị mất một chân và một mắt trong trận chiến với quân đội Liên Xô vào những năm 1980.

Vào thời điểm đó, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên án các biện pháp trừng phạt bằng cách hành quyết của Taliban, thường diễn ra ở sân vận động thể thao ở Kabul hoặc trong khuôn viên của nhà thờ Hồi giáo Eid Gah, trước sự chứng kiến của hàng trăm người đàn ông Afghanistan.

Những tội phạm giết người thường bị bắn vào đầu và do chính người thân của họ thực hiện. Đối với những tên trộm, hình phạt là chặt tay. Còn với những người bị kết tội cướp bóc trên đường cao tốc, họ sẽ bị chặt đứt một tay và một chân.

"Việc chặt tay là rất cần thiết cho an ninh" - ông Turabi nói.

Chỉ huy Taliban Mullah Nooruddin Turabi. Ảnh: AP

Kể từ khi Taliban chiếm thủ đô Kabul hôm 15-8 và giành quyền kiểm soát đất nước, người dân Afghanistan và thế giới đã theo dõi xem liệu họ có tái lập chế độ cầm quyền khắc nghiệt như họ từng làm vào cuối thập niên 1990 hay không. 

Và lời bình luận của ông Turabi cho thấy các nhà lãnh đạo của Taliban dường như vẫn cứng rắn và bảo thủ, ngay cả khi họ đang đón nhận những thay đổi mới về công nghệ.

Các tay súng Taliban đi tuần tra trên một con đường ở thủ đô Kabul. Ảnh: CNN

Trong những ngày gần đây ở Kabul, các chiến binh Taliban cũng đã áp dụng trở lại một số hình phạt mà họ thường sử dụng trong quá khứ, như bêu gương công khai đối với những người bị buộc tội trộm cắp.

Tuần trước, lực lượng này đã làm nhục một nhóm người đàn ông ở Kabul bằng cách dồn vào thùng sau của một chiếc xe bán tải, trói tay họ lại và diễu hành trên đường.

Trong một vụ việc khác, nhiều người đàn ông bị vẽ lên khắp khuôn mặt để xác định họ là kẻ trộm. Họ cũng bị treo bánh mì vào cổ hoặc nhét vào miệng, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.

Các tay súng Taliban làm nhiệm vụ tuần tra. Ảnh: DW

Công nghệ trở thành công cụ lan truyền sự răn đe

Tuy nhiên, ông Turabi nói rằng Taliban ở thời điểm hiện tại “đã thay đổi nhiều so với quá khứ”.

Ông Turabi cho hay lần này, các thẩm phán, bao gồm cả phụ nữ, sẽ xét xử các vụ án, nhưng nền tảng của luật pháp Afghanistan vẫn sẽ dựa theo kinh Quran.

Ngoài ra, Taliban cũng sẽ cho phép sử dụng truyền hình, điện thoại di động, hình ảnh và video “vì đây là nhu cầu của người dân và Taliban rất nghiêm túc về điều đó". Theo ông Turabi, Taliban coi các phương tiện truyền thông là một cách để truyền bá thông điệp của họ.

“Ở thời điểm bây giờ, thông điệp của chúng tôi không chỉ truyền đến cho hàng trăm, mà có thể tới hàng triệu người” - ông Turabi nhận định, nói thêm rằng nếu hình phạt được thực hiện công khai, người dân có thể được phép quay video, chụp ảnh để lan truyền tác dụng răn đe của hình phạt này.

Một cuộc tuần tra của Taliban được nhìn thấy ở thủ đô Kabul hôm 23-9. Ảnh: EPA-EFE

Taliban: Sự hà khắc giúp đem lại sự an toàn cho đất nước

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ và các nước đồng minh đã nhiều lần chỉ trích và cố gắng gây áp lực buộc lực lượng này thay đổi cách quản lý đất nước và cho phép những người thuộc nhóm thiểu số và phụ nữ được tham gia nắm quyền.

Phản hồi lại, ông Turabi bác bỏ những lời chỉ trích về sự cầm quyền hà khắc của Taliban và cho rằng chính việc này đã đem lại sự ổn định cho đất nước vào những năm 1990: “Chúng tôi hoàn toàn có được sự an toàn ở mọi nơi trên đất nước”.

“Mọi người đều chỉ trích chúng tôi về các hình phạt trong sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói bất cứ điều gì về luật pháp và các hình phạt của họ” - ông Turabi  nói, cảnh báo thêm rằng thế giới không nên can thiệp vào công việc của chính quyền mới tại Afghanistan.

“Không ai có quyền ý kiến về luật của chúng tôi phải như thế nào. Chúng tôi sẽ theo giáo lý của đạo Hồi và chúng tôi sẽ đưa ra luật của mình dựa trên kinh Quran” - thủ lĩnh Taliban khẳng định.

Các tay súng Taliban đứng canh gác. Ảnh: AFP

Ngay cả với người dân Kabul, dù bày tỏ sự sợ hãi trước sự thống trị của Taliban, một số người cũng nhìn nhận một cách miễn cưỡng rằng thủ đô đã trở nên an toàn hơn chỉ trong một tháng qua. Trước khi Taliban tiếp quản, các băng trộm thường xuyên lang thang khắp đường phố.

“Việc hành quyết ở nơi công cộng không phải là điều tốt lành gì, song điều đó sẽ ngăn bọn tội phạm lại" - ông Amaan, một chủ cửa hàng ở thủ đô Kabul chia sẻ.

Một người bán hàng khác nói rằng dù đó là một hành vi vi phạm nhân quyền nhưng anh ta cũng rất vui vì có thể mở cửa hàng của mình một cách an toàn sau khi trời tối, theo SCMP.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm