Ngày 29-3, bà Nguyễn Thị Minh Trang, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần và Đóng gói Thủy Hải Sản (gọi tắt là Công ty USPC, trụ sở Bình Dương), cho biết đã gửi đơn kêu oan đến cơ quan chức năng sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương vào ngày 2-3.
Đây là vụ án có biểu hiện oan sai mà báoPháp Luật TP.HCMđã có nhiều bài phản ánh.
Theo cáo trạng, ngày 27-7-2012, Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định do ông Đỗ Tấn Vinh (chồng bà Trịnh Thị Ngọc Sâm) làm giám đốc giao nguyên liệu cá ngừ cho Công ty TNHH XNK Vinh Sâm (do bà Sâm làm giám đốc). Mục đích là để Công ty Vinh Sâm thuê Công ty USPC gia công. Hợp đồng gia công nhưng chưa ký chính thức.
Sau khi gia công hơn 11 tấn thành phẩm, Nguyễn Thị Minh Trang (phó tổng giám đốc USPC) xuất khẩu lô hàng sang Mỹ bằng ủy thác của Công ty Tuna Fish Bình Định. Tuy nhiên, việc ủy thác không thành nên bà Sâm đòi hàng. Do bà Trang đã xuất bán nên bà Sâm tố cáo công an. Lúc này bà Trang triệu hồi hàng về và xin miễn thuế.
Bà Trang tại tòa sơ thẩm. Ảnh: VH
Công an xác định Công ty USPC khai sai nguồn gốc lô hàng cá ngừ để trốn thuế 470 triệu đồng và giá trị cá ngừ hơn 3 tỉ đồng. Sau đó, tháng 9-2014, bà Trang bị khởi tố và truy tố hai tội danh trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cuối tháng 4-2017, HĐXX nhận thấy vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn, đặc biệt vẫn chưa xác định lô hàng triệu hồi có đúng với lô hàng đã xuất trước đó. Đây là chi tiết quan trọng nhất trong hồ sơ của vụ án mà Cơ quan CSĐT tỉnh Bình Dương chưa làm rõ.
Trình bày tại tòa, đại diện hãng tàu APL (công ty vận chuyển hàng) khẳng định lô hàng của Công ty USPC phải ghé qua cảng tại Singapore để trung chuyển sang tàu lớn qua Mỹ. Đến nay chưa có văn bản xác nhận lô hàng còn nguyên hay không khi qua Mỹ.
Tại tòa, ông Đỗ Tấn Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định, xin rút đơn yêu cầu Công ty USPC bồi thường vì lô hàng cá ngừ không liên quan đến công ty ông.
Còn đại diện Chi cục Hải quan Sóng Thần trình bày hải quan chỉ căn cứ vào hồ sơ khai báo của doanh nghiệp về hàng hóa. Ban đầu hải quan không tính thuế nhưng sau đó thu thập hồ sơ, các yếu tố chưa đảm bảo về việc lô hàng xuất là lô hàng triệu hồi nên ra quyết định tính thuế. “Nếu có việc trốn thuế thì Công ty USPC chứ không phải cá nhân bà Trang” - đại diện hải quan cho biết.
Sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Bình Dương thấy vụ án có nhiều mâu thuẫn và hồ sơ có nhiều điểm cần làm rõ nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Gần một năm sau, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can với lý do “đã hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định”.
Không đồng tình với quyết định tạm đình chỉ bị can, bà Trang làm đơn khiếu nại gửi cơ quan CSĐT và VKSND tỉnh Bình Dương yêu cầu cho biết giám định cái gì, giám định ở đâu, khi nào có kết quả và bản trưng cầu giám định…? Bà Trang cho rằng,l cơ quan CSĐT không cung cấp được những yêu cầu trên thì xem xét đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, phục hồi quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân theo quy định pháp luật.