Đó là thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM nói tại buổi họp báo chiều 21-8.
Ông Phạm Đức Hải nói tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Theo ông Hải, thực hiện công văn số 2796 của UBND TP.HCM, từ 0 giờ ngày 23-8 đến 6-9, các nhóm đối tượng được phép lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn 2718 ngày 15-8, bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.
Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
Với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo Công văn số 2491 ngày 26-7.
Về cung ứng hàng hóa, ông Hải cho biết TP.HCM hiện có 4 vùng, chia làm 2 nhóm là vùng xanh - vàng và vùng cam - đỏ.
Ở "vùng xanh" (vùng an toàn) và "vùng vàng" (nguy cơ thấp), thành phố chia làm 2 nhóm. Với người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ có thể tự đi chợ một lần mỗi tuần. Những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ.
Ở "vùng cam" (nguy cơ cao) và "vùng đỏ" (nguy cơ rất cao), thành phố cũng chia ra hai nhóm tương tự. Với người dân chưa cần hỗ trợ, tổ công tác sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền, một tuần một lần. Phần còn lại, với những người khó khăn, sẽ nhận được các gói hỗ trợ.
“TP đã thành lập Trung tâm An sinh, chuẩn bị 2 triệu gói hỗ trợ và nhiều hơn nữa, chuyển xuống quận, huyện, phường, xã, sau đó chuyển trực tiếp đến người dân. Người dân chỉ cần ra lấy phần lương thực, thực phẩm mỗi tuần 1 lần” – ông Hải nói.
Ông Hải cho biết TP.HCM kêu gọi người dân cùng nhau “thắt lưng buộc bụng” trong 14 ngày để chia sẻ khó khăn, đoàn kết vượt qua đại dịch.
“TP đã cung cấp cho tất cả phường xã, thị trấn gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hóa. Các địa bàn thiếu điểm cung cấp hàng hóa thì TP sẽ đưa xe lưu động, mang hàng hóa tới để người dân” – ông Hải nói.
Theo ông Hải, TP.HCM đã rất cố gắng dự liệu các phương án, giải pháp. Tuy nhiên, khi triển khai chắc chắn sẽ còn trục trặc, thiếu sót vì không thể lường được hết, có thể hàng hóa tới chậm, lấy phiếu chậm… Do vậy, TP mong bà con nhân dân gọi ngay cho tổ công tác điều chỉnh việc thực hiện.
Trả lời câu hỏi người dân có nhu cầu mua hàng hóa hoặc cần hỗ trợ thì gọi ai, ông Hải cho biết người dân muốn liên hệ tổ công tác thì việc đầu tiên gọi tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp mình đang sống. Sau đó tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp sẽ giúp gọi cho chủ tịch phường để hỗ trợ người dân.
Trường hợp người dân khó khăn thì gọi 1022, tiếp tục ấn số 2. Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều gói hỗ trợ cho người dân.