Tạm giam bị can hơn 1.000 ngày có đúng luật?

Như đã đưa tin, sáng qua (14-6), bà Dương Thị Tiên - mẹ của Trần Vinh Sang, một trong sáu bị can của “Vụ trộm vàng khó xử ở Bình Chánh” đã đến VKS để đòi con.
Sang bị truy tố tội trộm cắp tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 138 BLHS cũ (khung hình phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù). Sang chưa tiền án tiền sự, nhân thân tốt. Theo bà Tiên, vụ án kéo dài từ tháng 7-2015, đến nay con bà đã bị tạm giam 1.060 ngày, như vậy là quá hạn tạm giam. VKS đã trả lời bà rằng hồ sơ hiện bên CQĐT.
HĐXX TAND huyện Bình Chánh đã năm lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án này, lần gần đây nhất là tại phiên tòa tháng 9-2017. Bà Tiên cho rằng Sang ngủ ở nhà với cháu trong khoảng thời gian bị cho là đi trộm vàng. Có chị dâu và cháu của Sang làm chứng cho thời gian ngoại phạm này của Sang.


Phiên tòa tháng 9-2017, HĐXX TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ năm

Nhiều bạn đọc thắc mắc, pháp luật quy định việc tạm giam để điều tra bổ sung trong trường hợp của Sang như thế nào?

Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Trường hợp vụ án do VKS trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do tòa trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. VKS chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và HĐXX chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.
Trường hợp cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không được quá thời hạn điều tra bổ sung.
Vụ án này, HĐXX TAND huyện Bình Chánh đã trả hồ sơ từ tháng 9-2017, nếu sau lần này, tòa chưa trả thêm lần nữa thì thời hạn điều tra bổ sung và tạm giam để điều tra bổ sung được tính như sau:
Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Nếu quá một tháng, VKS không tự điều tra bổ sung được mà trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng tính từ ngày CQĐT nhận lại hồ sơ.
VKS được trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần, tương đương bốn tháng, cộng một tháng tòa trả hồ sơ cho VKS thì thời hạn điều tra bổ sung là năm tháng, tính thêm thời gian chuyển giao hồ sơ cho CQĐT thì thời hạn điều tra bổ sung cũng không quá sáu tháng. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn bổ sung.


Gia đình bị can Trần Vinh Sang cho rằng con mình có chứng cứ ngoai phạm là ngủ ở nhà khi vụ trộm được cho là xảy ra

  
Như phân tích trên, thì việc tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung đến nay đã chín tháng, hiện hồ sơ vẫn đang ở CQĐT là đã quá hạn điều tra bổ sung theo luật. Đi kèm đó là việc tạm giam cũng quá hạn luật định.
Luật Thi hành tạm giữ tạm giam 2015 vừa có hiệu lực ngày 1-1-2018 quy định quyền của người bị tạm giam là được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giam. Nghiêm cấm người có thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam giam giữ người trái pháp luật… Luật này cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giam…
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị tạm giam từ tháng 3-2015 để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án mà cô bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ. Đến tháng 6-2017, sau hơn hai năm bị tạm giam, khi vụ án đang được xét xử, Phương Nga và Thuỳ Dung được TAND TP.HCM cho tại ngoại.
Theo tòa, căn cứ quan trọng nhất là Luật Thi hành tạm giữ tạm giam 2015 vừa được thông qua, tuy chưa có hiệu lực nhưng được áp dụng những quy định có lợi cho bị cáo. Trong khi đó, thời gian bị tạm giam của hai bị cáo đã quá quy định pháp luật thì việc tiếp tục tạm giam là không đúng... Vì vậy, để đảm bảo đúng pháp luật về tạm giam, trong thời gian chờ truy tố, xét xử tiếp theo thì lãnh đạo tòa đã quyết định cho hai bị cáo được tại ngoại.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới