Tam Lang và Tài Em nhận giải “Vinh danh Fair Play”

Cả hai đều có những điểm nhấn rất ấn tượng khi thể hiện tinh thần Fair Play và được người hâm mộ cả nước mến mộ bởi tài năng và đạo đức.

Phạm Huỳnh Tam Lang: Cả đời luôn đề cao bóng đá đẹp

Năm 1966, ông là đội trưởng của đội tuyển miền Nam Việt Nam giành Cúp Merdeka. Cũng năm đó, ông và Đỗ Thới Vinh được mời vào đội tuyển Ngôi sao châu Á và được phong là một trong những trung vệ xuất sắc nhất châu Á.

Giã từ đời cầu thủ ở tuổi 39 sau hơn 20 năm cống hiến, ông đi học khóa HLV tại Đức rồi về dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn từ năm 1983. Từ đó cho đến năm 2003, ông dẫn dắt đội đoạt bốn chức vô địch quốc gia, cùng với hai cúp Quốc gia và nhiều danh hiệu khác. Chính bảng thành tích quá tuyệt vời này cộng với việc luôn xây dựng hình ảnh đội Cảng Sài Gòn không chỉ là đội đá hay mà còn có phong cách đẹp, cái tên Tam Lang đã được thừa nhận như một “tượng đài” của bóng đá Cảng Sài Gòn nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

Sử sách của bóng đá châu Á từng ghi nhận ông là một hậu vệ tài hoa thi đấu rất quyết liệt, hiệu quả nhưng không phạm luật. Ông nổi tiếng là một trung vệ thép nhưng rất thư sinh với màu áo trắng tuyền ít lấm lem bùn đất và mái tóc chải chuốt.

Ông Tam Lang nổi tiếng là người điềm đạm và luôn đề cao đạo đức trong giới cầu thủ. Ông luôn giáo dục cầu thủ của mình phải chơi một thứ bóng đá đẹp, tránh làm tổn hại sức khỏe, gây chấn thương cho đối phương.

Ông Phạm Huỳnh Tam Lang và cầu thủ Phan Văn Tài Em sẽ có mặt trong đêm nay và nhận giải “Vinh danh Fair Play”. Ảnh: XUÂN HUY

Vì những đóng góp đó, ông Tam Lang đã được AFC trao kỷ niệm chương vì sự cống hiến không mệt mỏi trong suốt 50 năm qua gắn chặt với bóng đá nước nhà và khu vực.

Phạm Huỳnh Tam Lang đến nay có rất nhiều học trò thành đạt và ai cũng quý mến, tôn trọng ông bởi những điều ông dạy dỗ.

Phạm Huỳnh Tam Lang đã làm thay đổi khái niệm “quần đùi áo số” của rất nhiều người và là thần tượng của nhiều giới qua nhiều thế hệ vì phẩm chất ông để lại trên sân cỏ lẫn dạy dỗ nhiều thế hệ cầu thủ…

Với danh hiệu “Vinh danh Fair Play” do báoPháp Luật TP.HCMtrao tặng, ông được nhiều giới đồng tình và ủng hộ bởi suốt một đời gắn bó với bóng đá và mang lại nhiều nét đẹp cao quý trên sân cỏ…

Phan Văn Tài Em: “Fair Play giúp cầu thủ giữ gìn hình ảnh của mình hơn”

Chủ nhân của giải thưởng “Vinh danh Fair Play” vẫn giữ nét thân thiện, hồn nhiên và thật thà như ngày nào anh “Hai Lúa” của đất Long An mới bén duyên với bóng đá.

. Tài Em có nghĩ mình sẽ được nhận giải “Vinh danh Fair Play” trước khi Hội đồng thẩm định trao cho anh?

+ Thú thật là tôi không hề nghĩ ngợi gì về một giải thưởng cho sự việc của mình đã xảy ra cách đây lâu rồi. Tôi chỉ nghĩ mình với tư cách là một cầu thủ mỗi lần ra sân chỉ lo thi đấu thật tốt mà thôi. Qua việc báo Pháp Luật TP.HCM trao giải “Vinh danh Fair Play”, tôi bất chợt ngộ ra rằng mình cứ cố gắng, việc gì đến sẽ đến, như ông bà mình hay nói gieo gì thì gặt nấy!

. Sau lần Tài Em tố giác một số cầu thủ rủ rê mình “bán” trận bán kết SEA Games 2005 gặp U-23 Myanmar, có dư luận cho rằng anh chơi trội hoặc muốn “bán đứng đồng đội”… Nếu gặp lại tình huống này, anh sẽ hành xử ra sao?

+ Tôi vẫn sẽ hành động như thế! Bản thân tôi ngoài trách nhiệm của một đội trưởng thì tư cách cầu thủ khoác trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia không cho phép mình làm điều gì trái với lương tâm. Khi ấy, tôi đã phân tích thiệt hơn cho các cầu thủ ấy nghe, vì đội tuyển chưa chắc đã thắng và không chừng còn bị loại. Thực sự tôi chỉ báo cáo cho ban huấn luyện để biết và điều chỉnh chứ không nhằm chơi xấu ai cả. Riêng tôi tự dặn mình không bao giờ để xảy ra chuyện đó đâu.

. Hỏi thật anh chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm có nhiều ảnh hưởng đến lối chơi của đội bóng thế nhưng cá tính hiền lành và chất phát như “Hai Lúa” của mình có khi nào gây khó khăn cho đồng đội?

+ (Cười) Ngoài đời tôi hiền thật nhưng khi đã vào sân bóng thì không hiền chút nào đâu nhé. Dĩ nhiên là tôi vẫn cần phải rất mạnh mẽ và quyết đoán trong khuôn khổ luật chứ không phải thủ đoạn hay cố giành giật chiến thắng bằng mọi giá.

. Tài Em nghĩ sao khi bóng đá bây giờ vẫn còn tồn tại nhiều hiện tượng, hình ảnh phản cảm và làm sao để bóng đá Việt Nam ngày càng có nhiều tấm gương Fair Play hơn?

+ Nhiều người thường nhắc đến kết quả của bóng đá là thắng hoặc thua, trong đó mong muốn chiến thắng quá rất dễ khiến họ dễ dãi bỏ qua tiêu chí cống hiến cho khán giả những trận cầu đẹp mắt. Tôi muốn dẫn chứng ở bóng đá Anh mới xảy ra vụ cầu thủ Eden Hazard của Chelsea cố tình đá vào người cậu bé nhặt bóng trên sân Swansea thì ngay lập tức bị thẻ đỏ, bị treo giò nặng và bị cả thế giới bóng đá lên án.

Tôi nghĩ việc báo Pháp Luật TP.HCM khai sinh giải thưởng Fair Play sẽ giúp cho giới cầu thủ chúng tôi giữ gìn hình ảnh của mình cẩn trọng hơn.

Hậu SEA Games 2005, cố GS Trần Văn Giàu rất cảm kích nghĩa khí của chàng trai xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An cùng quê với mình nên đã tặng Tài Em cuốn sách Bản lĩnh Việt Nam do chính tay ông biên soạn và số tiền 5 triệu đồng. Phan Văn Tài Em nhớ lại khi ấy, anh rất xúc động nghe bác Giàu chỉ dạy những điều hay lẽ phải ở đời như một tấm chân tình của người thân trong gia đình. Sau đó, Tài Em đã dành tặng số tiền này cho UBND xã An Lục Long mua một chiếc lư hương để người dân có thể thắp nhang cho các anh hùng liệt sĩ.

Trưởng ban tổ chức V-League Trần Duy Ly:

“Cổ vũ cho cái tốt là đẩy lùi cái xấu”

Tôi cảm thấy thán phục và vô cùng cảm động khi một cơ quan truyền thông tạo ra giải thưởng này, điều này có nghĩa tờ báo Pháp luật TP.HCM đã đồng hành cùng bóng đá Việt Nam, góp phần của mình vào sự nghiệp chung và việc phát triển bóng đá nước nhà. Sự tôn vinh cái đẹp đấy sẽ đồng hành cùng với việc đẩy lùi cái xấu. LĐBĐ VN và VPF rất hoan nghênh sáng kiến đã đi vào hiện thực của báo Pháp Luật TP.HCM. Điều này có nghĩa trên con đường phát triển bóng đá, chúng tôi còn có rất nhiều người bạn, những cơ quan thông tấn, báo chí luôn đồng hành và ủng hộ.

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh:

“Hãy cổ vũ Fair Play”

Giải thưởng của báo Pháp Luật TP.HCM rõ ràng có tác động và tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bóng đá Việt Nam. Từ khi có bóng đá, bất cứ ai tham gia cũng đều nghĩ đến đạo đức, cái đẹp của bóng đá nhưng chỉ là lời nói mà chưa ai thực hiện. Sáng kiến của báo Pháp Luật TP.HCM là một hình ảnh đẹp của báo chí Việt Nam đối với bóng đá. Yếu tố đạo đức giúp cho giới cầu thủ nhận thức rõ mình đang hướng đến cái đẹp. Bên cạnh việc ngợi ca cái đẹp và phải cảnh báo cái xấu, tương tự như “mâm xôi vàng”, ngược lại với giải Oscar bên điện ảnh. Ảnh hưởng của nó giúp tất cả những người đến sân bóng luôn thấu hiểu, tôn trọng cái đẹp, thận trọng và cảnh giác với cái xấu. Hãy cổ vũ Fair Play và đừng bỏ sót Unfair Play.

Cựu Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long:

“Fair Play là cái gốc của văn hóa bóng đá”

Tôi hiểu khi báo Pháp Luật TP.HCM thai nghén và cho ra đời giải Fair Play thì tôn chỉ của báo là khát khao xây dựng một đời sống thượng tôn pháp luật, dân chủ và công bằng cho nhân dân. Cho nên giải thưởng Fair Play cũng là một hình thức hướng đến sự cao thượng trong bóng đá. Cá nhân tôi cảm nhận giải thưởng này mang một tính nhân văn cao đẹp, gầy dựng ý thức văn hóa trong đời sống bóng đá cho mọi thành phần từ các ông bầu, cầu thủ, khán giả… Giải thưởng Fair Play là một cách cổ vũ thiết thực cho bóng đá hết sức đẹp đẽ, góp phần đưa nền bóng đá đi xa hơn và cái gốc của văn hóa bóng đá không có chỗ cho bạo lực. Tôi cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã lên tiếng chính thức bằng hành động cụ thể chứ không phải hô hào suông…

TP - CT ghi

CÔNG TUẤN - NGUYỄN HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới