Tân Bộ trưởng GTVT: Đơn vị nào không đáp ứng tiến độ, chất lượng làm cao tốc thì đứng sang 1 bên

(PLO)- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói: “Tôi không cần nghe hứa nữa. Tôi nói luôn, bất cứ một doanh nghiệp nào mà giai đoạn này không đáp ứng được tiến độ, chất lượng thì đứng sang một bên, không cho làm các công trình khác do bộ triển khai sau này, kể cả các đơn vị tư vấn giám sát cũng thế”. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-11, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác sau khi kiểm tra cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã đi thị sát, kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết qua hai địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nghe báo cáo tại hiện trường. Ảnh AK.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nghe báo cáo tại hiện trường. Ảnh AK.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng chiều dài 99 km (Bình Thuận dài 47,67Km; Đồng Nai dài 51,33 km).

Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm thuận Nam, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và qua địa phận huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam (cách QL1A khoảng 2,6 km) thuộc tỉnh Bình Thuận và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại Km43+125, thuộc địa phận xã huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có sáu nút giao; 65 cầu (18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt).

Dự án khởi công tháng 9-2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2022. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long Giá trị sản lượng thực hiện đến ngày 19-11-2022 mới đạt 65,62% giá trị hợp đồng (đạt 77,42% giá trị mốc hoàn thành thông xe kỹ thuật 31-12-2022).

Để bảm đảm hoàn thành thông xe kỹ thuật, các nhà thầu cần phải huy động nguồn lực tài chính để mua vật tư, vật liệu, thuê thiết bị thi công bổ sung ô tô vận chuyển để tập kết vật liệu từ các mỏ; triển khai thi công ngay mũi lắp đặt tôn hộ lan, biển báo…

Bộ trưởng sốt ruột trước việc chậm tiến độ thi công. Ảnh AK.

Bộ trưởng sốt ruột trước việc chậm tiến độ thi công. Ảnh AK.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Đây là công trình rất trọng điểm quốc gia và khi kiểm tra thực địa, ông rất sốt ruột về tiến độ dự án do quá trình thi công không đạt yêu cầu, tiến độ. Công trường thi công còn ngổn ngang và nếu gặp thời tiết mưa thì lo ngại vỡ kế hoạch

“Tôi không cần nghe hứa nữa. Tôi nói luôn, bất cứ một doanh nghiệp nào mà giai đoạn này không đáp ứng được tiến độ, chất lượng thì đứng sang một bên, không cho làm các công trình khác do bộ triển khai sau này, kể cả các đơn vị tư vấn giám sát cũng thế” – Bộ trưởng Bộ GTVT cảnh báo ngay tại hiện trường.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nghi ngờ khối lượng thi công mà Ban QLDA báo cáo vì khi thị sát hiện trường khác nhưng báo cáo của Ban QLDA khác.

“Chậm tiến độ do chủ quan của các nhà thầu, của ban quản lý dự án là chính. Nếu dự án nào cũng như thế này thì đến bao giờ cả nước mới hoàn thành cao tốc? Cho nên không có con đường nào khác là phải loại tất cả các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, không đảm bảo chất lượng ra ngoài.

Đúng ra phải khánh thành ngày 31-12, nhưng bộ phải xin Thủ tướng lùi lại sang năm. Chúng ta đã lùi một lần rồi, cho nên tôi nói lại lần cuối là trách nhiệm này thuộc về ban quản lý dự án. Nếu không đạt được thì các đồng chí viết sẵn đơn đi” - Bộ trưởng dứt khoát.

Bộ trưởng yêu cầu tất cả các nhà thầu tập trung tối đa lực lượng, nhân lực máy móc thiết bị nguyên vật liệu làm khẩn trương quyết liệt nhất có thể, vì nếu để dự án chậm tiến độ thì nhà nước cũng thiệt, doanh nghiệp cũng thiệt, người dân cũng thiệt.

Được biết, cũng như đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cũng phải điều chỉnh lại mục tiêu thông xe kỹ thuật vào 31-12-2022 và dự kiến khánh thành, đưa vào khai thác vào ngày 30-4-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm