Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm”

Ba cơ sở xác lập chủ quyền

. Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ có báo cáo QH về vấn đề biển Đông. Nhiều đại biểu cho rằng QH cần ra nghị quyết về biển Đông, ý kiến của Chủ tịch thế nào?

+ Theo chương trình, tại kỳ họp QH này, Chính phủ sẽ có báo cáo về biển Đông. Đây là báo cáo theo yêu cầu của QH. Do đó, việc ra nghị quyết hay không sẽ do QH quyết định. Đó là thẩm quyền của QH. Tôi tin là QH sẽ bàn và xem xét về việc trên.

. Đối với vấn đề biển Đông, làm thế nào để chúng ta vừa có thể bảo đảm được chủ quyền lãnh thổ mà vẫn giữ được vị thế Việt Nam ở bên cạnh nước lớn?

+ Bất cứ quốc gia nào cũng vậy, chủ quyền quốc gia luôn là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bất kể công dân của quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều có nhận thức giống nhau như vậy. Chúng ta cũng như thế, đối với mọi người dân Việt Nam, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên, việc giữ vững chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển, đảo phải dựa vào ba cơ sở quan trọng là luật pháp, lịch sử và chiếm hữu, khai thác thực tế. Trong vấn đề luật pháp có luật pháp quốc tế và luật quốc nội. Đối với luật pháp quốc tế, phải căn cứ vào Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Vì thực tế để có được công ước trên là cả một quá trình đấu tranh và là thắng lợi của các nước nhỏ. Thường thường nước lớn có vị thế khác, nước nhỏ có vị thế khác. Do đó, nước nhỏ nhất định phải dựa vào sức mạnh tập thể, cộng đồng của luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm” ảnh 1

Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “... Phải bắt tay vào hành động kiên quyết để chống tham nhũng”. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở luật pháp quốc tế, chúng ta phải luật hóa trong luật quốc nội để thực hiện chiếm hữu về mặt pháp lý, đồng thời chiếm hữu về mặt thực tế. Ba mặt vấn đề trên sẽ xác định chủ quyền thực tế của một quốc gia biển, đảo.

Chống tham nhũng: Văn bản đủ rồi, phải hành động thôi!

. Thưa Chủ tịch, trong bài phát biểu ông có nói đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Vậy công tác PCTN trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?

+ Đây là vấn đề rất bức xúc của đồng bào cử tri cả nước. Chắc chắn Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành mặt trận này để đáp ứng nguyện vọng rất lớn của cử tri gửi gắm đến QH khóa XIII.

Ông Trương Tấn Sang năm nay 62 tuổi, quê quán xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cử nhân luật, cao cấp lý luận chính trị;

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, X, XI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI; Bí thư Trung ương khóa X, XI (từ tháng 5-2006 giữ cương vị Thường trực Ban Bí thư); đại biểu QH các khóa IX, X, XI và XIII.

Ông từng làm Chủ tịch UBND TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Tôi biết khi tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu QH cũng hứa hẹn tiếp tục quan tâm đến công tác PCTN, lãng phí. Tôi hy vọng các vị đại biểu QH sẽ không quên lời hứa này trước nhân dân. Tôi cũng mong muốn nhân dân hãy giám sát chúng tôi để thúc đẩy công tác PCTN, để ít ra chúng ta cũng đạt kết quả tốt hơn khóa trước.

. PCTN thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn có nguyên nhân do đâu, thưa Chủ tịch?

+ Đối với công tác PCTN, nghị quyết và luật pháp cũng đã đầy đủ, đọc thấy rất rõ ràng, không thiếu văn bản giấy tờ nữa. QH cũng đã cho phép thành lập Ban chỉ đạo PCTN trung ương và cấp tỉnh. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu của Đảng và QH đề ra thì công tác PCTN chưa đạt được mục tiêu là “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng”. Vấn đề ở đây nằm ở khâu thực hiện.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo PCTN phải năng nổ và tích cực hơn trong việc thực hiện chức năng của mình. Đồng thời, phải xem lại cơ chế chính sách có gì sơ hở không, tổ chức bộ máy chỉ đạo chống tham nhũng còn thiếu những gì… để chấn chỉnh, sửa đổi.

Tôi cho rằng vấn đề chính là hành động thôi, chứ văn bản giấy tờ đã nhiều và hết sức đầy đủ rồi. Chúng ta không phải tốn nhiều công sức để nghiên cứu văn bản nữa mà phải hành động kiên quyết.

. Xin cảm ơn Chủ tịch.

Độ chín để nhất thể hóa chưa cao

.Phóng viên:Sắp tới, QH sẽ bàn việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Ý kiến của Chủ tịch nước như thế nào về phương hướng nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước?

+ Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Việc nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước hay không còn phụ thuộc vào công tác bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng. Các kỳ Đại hội Đảng gần đây đều bàn vấn đề này, kể cả đại hội vừa rồi các cấp từ xã, phường tới trung ương cũng bàn. Nhưng độ chín để nhất thể hóa hai chức danh này chưa cao nên trong khóa này vẫn là hai chức danh như hiện nay.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm