Đó là phát biểu của Chủ tịch HĐND huyện, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện ủy huyện Mường Lát (Thanh Hóa), ông Lương Minh Thông khi được PV Báo Pháp Luật TP. HCM đặt câu hỏi về dự án trồng xoan gần 1 thập kỷ đi qua đến nay đã đạt được những kết quả gì; vì sao nhiều người dân mong muốn được thay thế cây xoan bằng một loại cây khác để có hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Cử tri nói không hiệu quả”
Trao đổi với PV Báo Pháp Luật TP. HCM, ông Lương Minh Thông, Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát thông tin: “Tại nhiều kỳ họp HĐND huyện Mường Lát, cử tri có ý kiến về việc chậm thu hoạch và nói thẳng cây xoan không hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, nhưng huyện không thể trả lời ngay được mà chỉ thấy thực tế là như thế thôi. Huyện đã báo cáo lên tỉnh, tuy nhiên tỉnh chưa có đánh giá tổng kết thì chưa thể cho dân khai thác hay chuyển đổi cây trồng được.
Nhưng ở đây, cũng khẳng định rằng trồng xoan là một chủ trương lớn, đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa. Vì thế, để triển khai dự án thì Trung ương cấp gạo hỗ trợ trong 7 năm cho đến khi thu hoạch xoan.
Ông Lương Minh Thông, Chủ tịch HĐND huyện biên giới Mường Lát kỳ vọng đồng bào sớm thoát nghèo bằng một loại cây khác phù hợp với thổ nhưỡng hơn cây xoan. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Một là cái được, trồng xoan thì trồng trên đất trống, đồi trọc, đất canh tác làm ngô, làm lúa, làm nương. Nên sau khi trồng xoan người dân không còn phát rẫy, đốt nương vì thế đã giảm đất trống, đồi trọc, chống được xói mòn, tăng độ che phủ rừng từ 54,6% năm 2011 đến đến nay là 76,33%.
Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tôn trọng rừng của bà con. Vậy là vừa trồng, chăm sóc xoan, lại vừa có gạo ăn nên cũng đỡ khổ hơn.
"Còn về hiệu quả của cây xoan có hay không thì mình đi đã cũng thấy. Trong khoảng 3 năm đầu tiên cây xoan rất tốt, nhưng đến năm thứ 4 xoan không còn phát triển nữa hoặc phát triển chậm, thân cây nhỏ. Tôi cũng không hiểu tại sao nữa”, ông Thông nói.
Giấc mơ xoan đi về đâu?
Ngót thập đã qua rồi, những đứa trẻ sinh ra cùng thời điểm đã theo mẹ lên nương nhưng chỉ có cây xoan là vẫn thế. Cùng với đó những kỳ vọng của người dân cũng vơi dần theo mỗi mùa trăng.
Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát Lương Minh Thông kể: “Lẽ ra, năm 2019 dự án 147 đã tổng kết rồi, nhưng huyện không đủ chức năng, thẩm quyền nên không đánh giá được mà phải chờ những người có trình độ, chuyên môn đánh giá. Nhưng rồi đến nay, cử tri chính quyền và bà con nhân dân chờ phản hồi từ tỉnh.
Theo tôi, sau khi tổng kết dự án này thì không nên trồng xoan nữa mà nên lựa chọn một loại cây trồng khác và phải đánh giá, thẩm định một cách tỷ mỷ, khoa học dựa trên các nghiên cứu từ thực tế thì mới mong đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi chỉ nói như thế này, trồng cây khác thì hàng nằm vẫn thu hoạch được, còn trồng cây xoan thì thời gian lâu quá, trong khi không còn đất xen canh, tăng vụ.
Cử tri, người dân mong mỏi chính quyền tỉnh Thanh Hóa sớm có quyết sách mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào huyện biên giới Mường Lát. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “Cử tri, người dân trên địa bàn đánh giá là hiệu quả kinh tế của cây xoan là rất thấp. Từ đó, người dân cũng mong muốn trồng một loại cây gì đó có hiệu quả kinh tế cao hơn cây xoan.
Như đã biết thì điều kiện đất đai, khí hậu của Mường Lát rất khắc nghiệt, tầng đất mỏng vì thế cần có một loại cây phù hợp hơn. Hiện nay huyện cũng đã có tờ trình đề nghị tỉnh đưa các chuyên gia nông nghiệp vào để phân tích chất đất, khí hậu trên địa bàn Mường Lát.
Từ đó đưa ra danh sách các cây trồng phù hợp hơn là cây xoan, nhằm vẫn đảm bảo độ che phủ rừng, chống xói mòn lại có hiệu quả kinh tế cao hơn", ông Bình kiến nghị.
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát trao đổi với Báo Pháp Luật TP. HCM về việc lựa chọn cây trồng phù hợp với Mường Lát thay vì cây xoan. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Có lẽ, cứ thế đồng bào nơi đây vẫn mỏi mòn, chờ đợi thoát nghèo. Còn những cánh rừng xoan vẫn không chịu lớn. Những cánh hoa xoan cuối mùa tháng 3 cũng rụng rơi theo "dải lụa" sông Mã gửi về xuôi bao hy vọng sau những đêm dài trăn trở, mong chờ về một tương lai tốt đẹp hơn.