Sau trận lũ ấy, nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào ảnh hưởng vì bão số 3 được triển khai khẩn cấp, trong đó có việc phải tìm ngay một nơi ở mới an toàn cho đồng bào. Tuy nhiên, tiền hỗ trợ về chậm. Đến nay những khu nhà tái định cư dù đã mọc lên giữa núi rừng nhưng còn thiếu thốn đủ đường và nhiều người dân chưa chuyển đến được nơi an toàn.
Nghe mưa là chạy
Cuối tháng 8-2020, chúng tôi trở lại huyện biên giới Mường Lát sau một năm nơi này hứng chịu trận lũ kinh hoàng hồi tháng 8-2019. Tàn tích sau trận lũ lịch sử ấy là những ngôi nhà, phận người vùi trong đất. Đến nay núi rừng nơi này đã phủ một màu xanh của sự sống nhưng vẫn còn đó nỗi ám ảnh trong tâm trí của bao lớp người nơi đây bị thiệt hại nặng nề do lũ gây ra.
Những bản làng người Thái, người Mông chênh vênh, vắt vẻo bên các sườn núi ẩn hiện mình giữa lớp sương sớm mây mù. Từ trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà nhỏ bé như những bao diêm mà chỉ cần một trận mưa đêm cũng có thể khiến những ngôi nhà ấy bị vùi lấp bất kể lúc nào.
Chúng tôi đến nhà của ông Sung Xáy Pó (65 tuổi) nằm giữa lưng chừng núi bản Chim. Ngôi nhà nằm trong diện có nguy cơ bị sạt lở cao, bắt buộc phải di dời đến khu tái định cư mới. Ông Pó đang ngồi bóc những củ măng rừng vừa đào từ chiều hôm trước, nói với tôi: “Cán bộ ơi, nửa năm rồi chúng tôi vẫn háo hức về nơi ở mới lắm. Vì về đó sẽ an toàn, ngủ sẽ ngon lắm.
Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thể về được vì không có điện, đường sá chênh vênh khó đi và tiền hỗ trợ nhà ở sau lũ vẫn còn ở mãi trên tỉnh. Ở đây ngó rứa chứ mưa là đồng bào phải chạy đến nơi khác, không dám ở lại vì sợ núi đổ xuống là vùi lấp hết nhà cửa của chúng tôi”.
Nhà anh Sung Văn Chá (31 tuổi) ở bản Chim bị sập và vùi lấp hoàn toàn sau trận lũ. Sau đó anh được Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng để đến nơi ở mới an toàn hơn. Trong khoảng thời gian tìm nơi ở mới và xây dựng nhà cửa, gia đình anh phải đi ở nhờ bà con trong một thời gian dài. “Đến nay dù về nơi ở mới rồi nhưng chúng tôi mới chỉ nhận 60% tiền hỗ trợ, trong khi không có điện, đường không thành đường. Vì thế, cuộc sống của đồng bào chúng tôi vốn dĩ khó khăn lại càng khó khăn hơn” - anh Chá tâm sự.
Ngôi nhà của Sung Xáy Pó (65 tuổi) nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, bắt buộc phải di dời đến khu tái định cư mới. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Những đứa trẻ nghịch đất giữa vùng tái định cư bản Chim còn đó bao ngổn ngang. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Tái định cư ba không
Sau trận lũ tháng 8-2019, huyện Mường Lát thống kê có ba bản với 156 hộ dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 sẽ được bố trí tái định cư, bao gồm bản Nà Ón (xã Trung Lý) có 54 hộ, bản Chim (xã Nhi Sơn) có 52 hộ và bản Xim (xã Quang Chiểu) có 48 hộ.
Tại thời điểm đó, kinh phí hỗ trợ nhà ở bị thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với 30 ngôi nhà bị sập hoàn toàn với mức chi trả là 300 triệu đồng/nhà; 12 nhà bị thiệt hại rất nặng được hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà; 15 nhà bị thiệt hại nặng là 100 triệu đồng/nhà; nhà thiệt hại một phần dưới 30% và nhà di dời khẩn cấp là 40 triệu đồng/nhà.
Ông Lương Văn Xích, Bí thư Đảng ủy xã Nhi Sơn (Mường Lát), cho biết: “Hiện nay khu tái định cư bản Chim chưa có điện, đường dẫn đến bản tái định cư còn khó khăn lắm mà chỉ cần một trận mưa thôi là biệt lập với bên ngoài. Nhiều người phải đi vay tiền, vay xi măng, tấm lợp mái cho xong trước mùa mưa lũ. Còn nhiều nhà chưa có tiền thì vẫn phải đợi thôi.
Đặc biệt, ở Mường Lát vẫn còn trong mùa mưa lũ nên người dân rất lo lắng. Vì thế, tôi mong cấp trên sớm hỗ trợ, hoàn thiện khu tái định cư để người dân có điện, có đường, có tiền để sớm về nơi ở mới an toàn” - ông Xích chia sẻ.
Chưa thể an cư
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: “Huyện thống kê tổng số tiền hỗ trợ cho đồng bào là 15,4 tỉ đồng để xây nhà, sớm ổn định chỗ ở cho bà con bị ảnh hưởng sau trận bão số 3. Đến nay, người dân bị ảnh hưởng mới được hỗ trợ hơn 60% với khoảng 9 tỉ đồng.
“Hiện nay còn thiếu hơn 6 tỉ đồng nên tiến độ có chậm đi, trong khi nhân dân không có tiền làm nhà. Bởi nhiều gia đình đã trôi hết nhà, hết cửa thì họ lấy đâu ra tiền nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm động viên bà con, các doanh nghiệp hỗ trợ vào để họ làm. Đến nay thì về cơ bản nhà cửa của người dân tại ba bản tái định cư đã tạm ổn nhưng còn thiếu điện, đường đi lại khó, một phần tiền hỗ trợ cho bà con từ chính sách hỗ trợ vẫn chưa đến tay người dân và họ vẫn chưa thể an cư” - ông Cường trăn trở.
Bí thư Huyện ủy huyện Mường Lát - ông Hà Văn Ca cho biết: “Hiện Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa đã có công văn điều chỉnh cơ chế nguồn kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho các hộ dân có nhà bị thiệt hại do cơn bão số 3 năm 2019 gây ra trên địa bàn huyện Mường Lát. Theo đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương điều chỉnh cơ chế để hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân còn thiếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
“Tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện theo quy định, sớm hoàn thành việc xây dựng nhà ở, góp phần ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân vùng thiệt hại trên địa bàn huyện Mường Lát.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, căn cứ kết luận của thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa khẩn trương triển khai thực hiện và có ý kiến báo cáo chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa” - ông Ca thông tin.