Hàng ngàn cổ động viên Hải Phòng rùng rùng chuyển động thành cả rừng người từ các khán đài tràn xuống mặt sân Lạch Tray và đồng thanh hô vang Hải Phòng vô địch. Các cổ động viên cuồng nhiệt đi tìm từng cầu thủ công kênh như những người hùng. Họ biến lễ trao huy chương bạc trên sân Lạch Tray thành một ngày hội còn hoành tráng hơn cả lễ trao cúp vàng.
Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế viết trên trang cá nhân của mình thật thâm thúy: “V-League kết thúc hơi khác lạ. Ai cũng biết kết cục giải nằm ở trận đấu tại Hà Nội lớn hơn Hải Phòng rất nhiều; ai cũng dự đoán Hà Nội T&T và Hải Phòng sẽ thắng; ai cũng đoán Hải Phòng khó như không tưởng vượt qua được +3 bàn thắng mà Hà Nội T&T đang dẫn... Ấy vậy mà người xem lại đổ xô tới sân Hải Phòng chật như nêm và sôi động khác hẳn sân Hà Nội. Và kỳ lạ hơn là cả vạn người tràn xuống sân tung hô đội Hải Phòng vô địch V-League!
Vô địch trong lòng người hâm mộ. Trái ngược cảnh đội vô địch thật tại Hà Nội. Công luận và lãnh đạo cao cấp (VFF) còn tốn nhiều suy ngẫm và giấy bút để lý giải hiện tượng này. Với tôi, không mấy cảm xúc về chuyên môn mà chỉ suy ngẫm tính chất xã hội của bóng đá đang có những vấn đề vượt ngưỡng làm xói mòn tình yêu và niềm tin của người dân với nền bóng đá. Mà chiếc cúp vô địch năm nay không thể khỏa lấp”.
Nếu sân Lạch Tray của Hải Phòng các cổ động viên trân trọng in hình HLV Trương Việt Hoàng treo trên sân thì tại Cao Lãnh, các cổ động viên theo chân SHB Đà Nẵng giương cao chiếc cúp vô địch tự làm và treo hình chân dung bầu Hiển lên như để tri ân “nhà sáng lập”.
Tàn một cuộc chơi bóng đá nước nhà có quá nhiều hình ảnh lạ và thật khó để lý giải rằng đây là giải chuyên nghiệp ở tuổi 16.