Tàn phá dung nhan vì tiêm, cấy chất trẻ hóa da

Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM thời gian gần đây tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp tai biến sau khi tiêm, cấy các chất làm căng bóng, chất làm đầy trẻ hóa da tại nhà hoặc tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo chất lượng.

U hạt sau khi tiêm tinh chất cá hồi

Mới đây, khoa thẩm mỹ da BV Da liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân nữ HTT (25 tuổi) đến BV trong tình trạng mặt nổi nhiều u cục màu đỏ, gồ lên trên bề mặt da. Người bệnh cho biết chị lên mạng và thấy một spa tại quận 10 giới thiệu dịch vụ làm đẹp, rằng sau một lần tiêm tinh chất chiết xuất từ tinh trùng cá hồi thì da căng mọng, trắng sáng không tì vết nên tìm đến trải nghiệm. Vài ngày sau, vùng da khắp mặt bắt đầu có nhiều chỗ sưng màu đỏ, đặc biệt nổi nhiều nhất trên trán nên chị tá hỏa đến BV điều trị. Tại đây, chị được bác sĩ thăm khám và kết luận bị phản ứng u hạt sau khi tiêm tinh chất không rõ nguồn gốc, phải điều trị chống phù nề, giảm viêm.

Tương tự, người bệnh nữ (45 tuổi) cũng xuất hiện tình trạng mặt viêm đỏ, nổi nhiều u hạt sau khi tiêm tế bào gốc nhau thai cừu tại một cơ sở spa ở quận 5. Bệnh nhân trình bày do mất tự tin với làn da nên nghe theo quảng cáo “nhau thai cừu tập hợp nhiều acid amin đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chất dinh dưỡng giúp làm đẹp da, chống lão hóa và chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện” nên tin tưởng giao phó khuôn mặt cho nhân viên spa tiêm vào da mặt.

Ngoài ra, thời gian qua có nhiều cảnh báo về việc tiêm chất làm đầy (filler) nâng mũi, làm căng da không rõ nguồn gốc, tại các cơ sở không đủ điều kiện sẽ rất dễ gây biến chứng, nhẹ thì tắc mạch, hoại tử vùng tiêm, nặng thì mù mắt, đột quỵ… Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn nhẹ dạ cả tin và gánh hậu quả với khuôn mặt biến dạng, thậm chí đe dọa mù mắt phải nhập viện để xử trí sau khi tiêm chất làm đầy. Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ (28 tuổi) nhập viện vì vùng môi sưng to, rỉ dịch và mủ. Cùng với đó, hai lỗ dò hai bên nếp mũi má viêm đỏ, chảy mủ liên tục sau khi tiêm chất làm đầy không rõ loại vào vùng môi và nếp mũi má tại một spa ở quận 4.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được điều trị tích cực kháng sinh, kháng viêm, kháng virus, chăm sóc tại chỗ. Sau hai tuần, môi bệnh nhân xẹp và giảm sưng viêm nhưng dự liệu phải điều trị nhiều lần mới cải thiện được vết sẹo hai bên nếp mũi má.

Ngoài ra, các trường hợp da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, lên mụn li ti, sần sùi sau khi phi kim vi tảo biển, cấy tảo xoắn tươi nano, hồng sâm… nhập viện không phải là hiếm. Theo quảng cáo của các spa thì các biện pháp này đều an toàn, hiệu quả hơn gấp nhiều lần việc dưỡng da khiến chị em đua nhau tin tưởng thực hiện.

Tai biến tiêm vi điểm DNA cá hồi, nhau thai cừu, căng bóng da Hàn Quốc… (ba ảnh trên) và tai biến lăn kim vi tảo biển, cấy tảo nano, hồng sâm… (ba ảnh dưới) nhập BV Da liễu TP.HCM điều trị.  Tai biến sau khi tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhập BV Da liễu TP.HCM điều trị. Ảnh: BVCC

Nhiều tai biến sớm và muộn

Theo ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó Khoa thẩm mỹ da BV Da liễu TP.HCM, tiêm dưỡng chất hay tiêm vi điểm (mesotherapy), lăn kim là các thủ thuật thẩm mỹ nội khoa rất được ưa chuộng để điều trị các tình trạng da như nám má, sẹo mụn, lỗ chân lông to, rụng tóc… vì tương đối an toàn, hiệu quả và dễ thực hiện. 

Tuy nhiên, các tai biến sau lăn kim và tiêm vi điểm vẫn có thể xảy ra nếu chỉ định điều trị sai, thực hiện quy trình kỹ thuật không chuẩn, thuốc sử dụng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tình trạng da và chăm sóc da sau điều trị không đúng cách.

Cách phòng ngừa tai biến

Để tránh các tai biến khi làm đẹp da xảy ra thì việc phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng. Cần thực hiện quy trình kỹ thuật theo đúng chuẩn, sử dụng thuốc đảm bảo chất lượng và chăm sóc da đúng cách. Do đó, chị em cần điều trị tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín và đã được cấp phép thực hiện các thủ thuật có liên quan. 

Các tai biến xuất hiện sớm, xảy ra trong vòng vài ngày, bao gồm bầm da, dị ứng cấp tính, nhiễm trùng… Các tai biến xuất hiện muộn xảy ra trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, bao gồm u hạt, quá mẫn muộn toàn thân, sẹo, tăng sắc tố sau viêm…

Tùy theo nguyên nhân gây tai biến mà có phương pháp điều trị khác nhau. Một số tai biến có thể tự phục hồi theo thời gian như bầm máu, đau sau tiêm. 

Các biến chứng như u hạt, dị ứng, nhiễm trùng cần được phát hiện sớm và điều trị tích cực bằng các thuốc kháng viêm, kháng histamine, kháng sinh, kháng nấm hoặc sử dụng các phương pháp laser và ánh sáng…

Đối với việc tiêm chất làm đầy, đây là một trong những thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên thế giới vì có thể chỉnh sửa, làm đẹp theo ý muốn, cho kết quả ngay và không mất thời gian nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, kỹ thuật này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến, ngay cả với những bác sĩ được đào tạo bài bản. Các tai biến này rất đa dạng, từ những tác dụng phụ như vết bầm da, hoại tử, nhiễm trùng da đến những biến chứng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tính mạng như mù mắt hay đột quỵ.

Vì sao chất làm đầy dễ gây mù mắt?

Một nghiên cứu gần đây trên 48 trường hợp mù mắt do chất làm đầy cho thấy những vùng tiêm gây tai biến mù mắt nhiều nhất là mũi (56,3%), gian mày (27,1%), trán (18,8%), nếp mũi má (14,6%). Cơ chế gây mù mắt là do chất làm đầy ở những vùng này theo áp lực bơm tiêm đi ngược dòng vào động mạch mắt và làm tắc động mạch võng mạc trung tâm.

Ngoài ra, mạng lưới mạch máu ở những vùng này khá phức tạp nên ngoài tai biến mù mắt còn có nguy cơ tắc mạch máu gây hoại tử tại chỗ.

Gần đây, BV Da liễu TP.HCM liên tục tiếp nhận điều trị bệnh nhân tai biến do tiêm chất làm đầy, trong đó có nhiều trường hợp tắc mạch hoại tử ở những vùng giải phẫu “nguy hiểm” nói trên.

ThS-BS TRẦN NGUYÊN ÁNH TÚ, 
Phó Khoa thẩm mỹ da BV Da liễu TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới