Ngày 13-9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam (VN) phối hợp với Hội Truyền thông số VN và báo Đại biểu Nhân dân (thuộc Văn phòng Quốc hội) tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.
2.000 trang tin ba không
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN Trần Trọng Dũng cho rằng một trong những thách thức lớn đối với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số.
Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác tại hội thảo. |
Theo đó, hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.
Theo Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn về công nghệ. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý.
Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới Nguyễn Minh Đức cho biết hiện nay có khoảng 2.000 trang thông tin tổng hợp sao chép với tốc độ rất nhanh nội dung thông tin của các cơ quan báo chí.
“Điều nguy hiểm là đa số trang tin này không có cơ quan quản lý, không có người chịu trách nhiệm, không có giấy phép hoạt động. Việc sao chép, vi phạm bản quyền này khiến các cơ quan báo chí bị thiệt hại lớn, trong khi các trang này lại chỉ ngồi không hưởng lợi từ các nguồn thu quảng cáo...” - nhà báo Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: VT |
PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo VN, cũng bày tỏ việc vi phạm bản quyền báo chí không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật mà hơn thế, đó là sự xuống cấp đạo đức và văn hóa. Giá trị cốt lõi của nhà báo và tòa soạn báo là tính chính trực, trung thực, tôn trọng khách quan, tôn trọng sự thật và quyền sở hữu trí tuệ.
Việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hóa truyền thông vì nó liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo và truyền thông...
Cần có cả ba chân kiềng
Đề cập đến những thiệt hại mà cơ quan báo chí phải chịu do xâm phạm bản quyền, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển đồng ý với phát biểu của một số đại biểu, đồng thời nêu thực tế: “Có những thông tin đăng trên một tờ báo chỉ có một lượng tiếp cận nhất định nhưng những cơ quan báo chí làm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm - PV) tốt thì có khi bài phái sinh lại thu hút một lượng độc giả lớn hơn và điều đó xâm phạm quyền lợi nhiều mặt của cơ quan giữ bản quyền báo chí”.
Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí - truyền thông hiện nay.
Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí.
Nhà báo TRẦN TRỌNG DŨNG, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN
Ông Nguyễn Đức Hiển cũng cho rằng việc xâm phạm bản quyền của các cơ quan báo chí đến từ rất nhiều đối tượng với nhiều phương thức đa dạng, chia sẻ độc giả và khán thính giả, từ đó gây thiệt hại lớn cho các cơ quan báo chí và ông đề xuất các giải pháp để chấm dứt thực trạng này...
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), cũng cho biết thời gian qua, Cục Báo chí đã tích cực trong việc trợ giúp các cơ quan báo chí đấu tranh với vấn nạn vi phạm bản quyền.
Tiêu biểu là với việc sửa đổi Luật Báo chí, cục đã tham mưu cho bộ một nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian số nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới, trong đó bản quyền báo chí là điểm nhấn. Bên cạnh đó, cục cũng đang tham mưu với bộ xây dựng quy trình chuẩn nhằm trợ giúp báo chí đấu tranh với vi phạm bản quyền.
“Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan báo chí nếu phát hiện ra vi phạm bản quyền có thể trực tiếp thông báo tới Cục Báo chí hoặc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, chúng tôi sẽ xử lý kịp thời, kể cả nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook” - phó cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo VN và Hội Truyền thông số VN về việc “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.