Tân thủ tướng Pháp và bài toán trước mắt

(PLO)- Sau nhiều ngày cân nhắc và tham vấn các đảng phái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm tân thủ tướng Pháp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm tân thủ tướng Pháp và ông này có nhiệm vụ thành lập chính phủ mới.

Chân dung tân Thủ tướng Pháp

Ông Bayrou, 73 tuổi, là đồng minh chủ chốt của ông Macron và đồng thời là người sáng lập đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) trung dung. Kể từ năm 2017, MoDem là một phần trong liên minh cầm quyền của ông Macron.

7TTGSNICBNIANHFWVFCIWILJGQ.jpg
Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou. Ảnh: REUTERS

Ông Bayrou từng là ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2002, 2007 và 2012. Ông là bộ trưởng Bộ Giáo dục trong 3 chính phủ liên tiếp. Năm 2017, ông Macron đã bổ nhiệm ông Bayrou làm bộ trưởng tư pháp nhưng ông đã từ chức chỉ vài tuần sau đó trong bối cảnh đảng của ông vướng vào bê bối sử dụng công quỹ sai mục đích. Ông Bayrou đã phủ nhận những cáo buộc này.

Sáng 13-12, ông Bayrou đã gặp ông Macron tại Điện Elysee trong khoảng hơn một giờ.

Tình hình không ổn định của chính trường Pháp đặt châu Âu vào tình thế bấp bênh khi lục địa này đang tìm cách đối phó với những tác động của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, mối đe dọa thuế quan và cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài gần 3 năm, theo Quỹ Nghiên cứu các Nhà Quan sát (ORF - Ấn Độ).

Quyết định bổ nhiệm tân thủ tướng Pháp được đưa ra khoảng một tuần sau khi vào ngày 4-12 quốc hội Pháp đã thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier, dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Pháp non trẻ chỉ mới được thành lập cách đây 3 tháng.

Các đảng đối lập thậm chí còn yêu cầu ông Macron từ chức trong bối cảnh ngân sách năm 2025 vẫn chưa được quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu trên truyền hình sau đó, tổng thống Macron cho biết ông sẽ tại vị "cho đến khi kết thúc" nhiệm kỳ năm năm, tức đến tháng 5-2027, đồng thời nhấn mạnh rằng trách nhiệm của ông là bảo đảm tính liên tục của nhà nước.

Bài toán đặt ra với tân thủ tướng Pháp

Việc chính phủ ông Barnier sụp đổ đã khiến Tổng thống Macron phải đối mặt với thách thức lớn nhất sau khi ông hồi tháng 6 đã giải tán quốc hội và kêu gọi cuộc bầu cử sớm. Kết quả cuộc bầu cử đã dẫn đến tình trạng quốc hội treo khi liên minh cầm quyền đánh mất thế đa số và không có đảng nào giành được quyền kiểm soát quốc hội, khiến việc điều hành các vấn đề đất nước gặp khó khăn.

Trong nỗ lực xoa dịu tình hình bất ổn chính trị ở Pháp, chiều 10-12, Tổng thống Macron đã họp với lãnh đạo một số đảng chính trị lớn nhằm tìm kiếm “công thức diệu kỳ” giải quyết tình trạng bế tắc chính trị ở Paris, tờ Politico đưa tin.

tân thủ tướng Pháp.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và ông Francois Bayrou hồi năm 2022. Ảnh: REUTERS

Một số nhà bình luận nói rằng việc tập hợp nhiều bên tham gia đàm phán vào ngày 10-12 đánh dấu bước tiến trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận của ông Macron. Cuộc họp đã đưa ra hai điểm thống nhất chính: chính phủ không nên phụ thuộc vào NR và sẽ không có liên minh chính phủ rộng lớn theo kiểu Đức bao gồm các đảng đối lập, theo tờ Politico.

Theo hiến pháp, cuộc bầu cử quốc hội không thể được tổ chức tại Pháp cho đến tháng 7-2025 vì cuộc bầu cử gần nhất chỉ mới diễn ra sáu tháng trước. Do đó, chính phủ mới của ông Bayrou có thể sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự ông Barnier đã gặp phải khi phe cánh tả và cánh hữu dự kiến ​​sẽ ngăn cản chính phủ mới bằng chương trình nghị sự riêng của họ cho ngân sách năm 2025.

Điều quan trọng nhất nhằm đưa chính trường Pháp thoát khỏi tình thế này là chính phủ mới của ông Bayrou phải đủ mạnh mẽ để có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, cũng như thông qua ngân sách cho năm tới, theo AFP.

Pháp đang đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách công ngày càng tăng, hiện ở mức 6,1%, tăng so với mức 5,5% của năm ngoái và vượt quá mức dự báo 4,4% vào cuối năm 2024. Nếu không có một chính phủ ổn định và được đa số trong quốc hội ủng hộ, Pháp có thể phải bước vào năm 2025 mà không có ngân sách dự trù. Dù vậy, các biện pháp luật pháp đặc biệt có thể giúp chính phủ tránh được tình trạng đóng cửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm