Ngày 9-4, nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho biết cơ quan tố tụng quận 4, TP.HCM vẫn đang xác minh để xem xét việc khởi tố vụ cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Sai hơn một tuần kể từ ngày xảy ra vụ cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy, các cơ quan tố tụng quận 4, TP.HCM vẫn chưa khởi tố vụ án. Ảnh chụp từ clip
Phải xử đúng người, đúng tội, hình phạt nghiêm
Tính đến nay, vụ cựu viện phó sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư ở quận 4, TP.HCM xảy ra đã hơn một tuần. Suốt thời gian này, dư luận quan tâm nhiều đến việc hướng dẫn đường lối xét xử của các cơ quan tố tụng trung ương xung quanh tội danh dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Trong bối cảnh đó, ngày 8-4, chánh án TAND Tối cao đã có công văn gửi chánh án TAND các cấp, chánh án tòa án quân sự các cấp và thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.
Theo công văn này, thời gian qua tình trạng tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cạnh đó, việc triển khai các quy định của BLHS, BLTTHS, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành, trong điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Để kịp thời phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này, TAND Tối cao yêu cầu ngành tòa án thực hiện bốn nội dung sau: Thứ nhất, trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em cần quán triệt thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới được Quốc hội thông qua như BLHS, BLTTHS, các đạo luật có liên quan, các văn bản hướng dẫn thi hành của TAND Tối cao và liên ngành trung ương. Cần xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các hình phạt và các biện pháp tư pháp được áp dụng phải nghiêm khắc.
Thứ hai, ngay khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, các tòa án cần thụ lý giải quyết theo đúng quy định tại Thông tư 02 ngày 21-8-2018 của chánh án TAND Tối cao. Trong quá trình xét xử, tòa án phải bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo tốt nhất lợi ích của người dưới 18 tuổi.
Thứ ba, tòa án chủ động phối hợp với cơ quan điều tra và VKS cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra để kịp thời nắm bắt diễn biến của vụ án, từ đó lên kế hoạch đưa vụ án ra xét xử, bảo đảm kịp thời và đúng thời hạn luật định.
Thứ tư, các tòa báo cáo với TAND Tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định mới của BLHS, BLTTHS, các văn bản liên quan.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết đã thành lập đoàn giám sát công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP. Ảnh: Htd
TP.HCM lập đoàn giám sát chống xâm hại trẻ em
Trong ngày 9-4, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM cho biết ban này vừa quyết định thành lập đoàn giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em - công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP. Thành viên đoàn giám sát gồm 20 người, trưởng đoàn là bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.
Từ ngày 16 đến 26-4, đoàn sẽ triển khai giám sát. Nội dung giám sát gồm: Tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn TP; thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn TP; công tác phòng ngừa tội phạm, phát hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em...
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 13 HĐND TP, bà Thi Thị Tuyết Nhung cho biết năm 2018 có những vụ trẻ em bị xâm hại nhưng chứng cứ để buộc tội yếu, không đủ cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng xử lý khiến dư luận bức xúc, hoài nghi. “Ban Văn hóa-Xã hội tổ chức giám sát các đơn vị trong việc triển khai Luật Trẻ em để biết được những kết quả, thuận lợi, khó khăn và kiến nghị để thực hiện Luật Trẻ em tốt hơn” - bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, để bảo vệ trẻ em thì luật đã có, các quy định hướng dẫn cũng đã có, cái cần làm chính là sự vào cuộc đồng bộ hơn của các cơ quan hữu quan. Đặc biệt, cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc ngay khi xảy ra vụ việc để bảo vệ người bị hại, bảo vệ chứng cứ nhằm đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em.
Công văn hỏa tốc của TAND Tối cao Ngày 9-4, nhiều TAND ở TP.HCM đã nhận được công văn hỏa tốc của TAND Tối cao (được ký trước đó, khác với công văn ngày 8-4 đề cập trong bài). Công văn này chỉ đạo chánh án các tòa cấp cao, TAND cấp tỉnh tổng hợp và xây dựng báo cáo công tác xét xử các vụ án xâm hại tình dục (thời gian từ 1-10-2017 đến 28-2-2019). Tòa Tối cao yêu cầu báo cáo phải nêu một số vụ án xâm hại tình dục trẻ em và xâm hại tình dục nói chung, được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian gần đây. TAND Tối cao cho biết đã chỉ đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tổng kết thực tiễn và giám đốc việc xét xử để TAND Tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều luật của BLHS 2015 quy định về xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội đối với tội dâm ô người dưới 16 tuổi... Đoàn ĐBQH TP.HCM giám sát tại quận 4 Trước đó, phát biểu về vụ cựu viện phó sàm sỡ bé gái, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, cho biết Đoàn ĐBQH TP đã có kế hoạch giám sát về luật trẻ em và vụ việc tại quận 4. Đoàn ĐBQH TP cũng có văn bản gửi đến Ủy ban Pháp luật của QH. “Đoàn đánh giá đây không chỉ là một vụ việc cá biệt mà xảy ra trong bối cảnh thời gian qua có rất nhiều vụ việc xâm hại trẻ em” - ông Khuê nói. |