Theo đó, bản án lệ số một là Quyết định giám đốc thẩm (GĐT) số 04 ngày 16-4-2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án giết người đối với bị cáo Đồng Xuân Phương (Hải Phòng). Bản án lệ số hai là Quyết định GĐT số 27 ngày 8-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp đòi lại tài sản” xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng. Bản án lệ số ba là Quyết định GĐT số 208 ngày 3-5-2013 của Tòa Dân sự TAND Tối cao về một vụ “ly hôn” tại TP Hà Nội. Bản án lệ số bốn là Quyết định GĐT số 04 ngày 3-3-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại TP Hà Nội. Bản án lệ số năm là Quyết định GĐT số 39 ngày 9-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp di sản thừa kế” tại TP.HCM. Bản án lệ số sáu là Quyết định GĐT số 100 ngày 12-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ “tranh chấp thừa kế” tại TP Hà Nội.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND Tối cao Chu Thành Quang cho biết TAND Tối cao sẽ tiếp tục lựa chọn, công bố án lệ theo quy trình đã được thông qua. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học dự kiến đề xuất chánh án TAND Tối cao ban hành chỉ thị, trong đó giao vụ này hoàn thiện mẫu bản án, trên cơ sở đó giao Học viện Tòa án đào tạo nâng cao, đổi mới cách thức viết bản án. Nội dung chỉ thị cũng dự kiến yêu cầu chánh án các tỉnh, thành phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng viết bản án của thẩm phán để xây dựng nguồn án lệ. Cạnh đó, TAND Tối cao dự kiến đưa tiêu chí bản án của thẩm phán được chọn làm án lệ là một trong những tiêu chí xét thi đua.