Sáng 20-9, Sở Tư pháp tổ chức Lễ Ký kết Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại TAND.
Buổi lễ có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TP.HCM và các thành viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM.
Lễ ký kết giữa TAND TP và Sở Tư pháp. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM, cho biết việc ký kết chương trình phối hợp mang ý nghĩa rất quan trọng. Hoạt động không chỉ tăng cường quan hệ với phía toà án tại địa phương mà còn tăng cường khả năng cho người dân tiếp cận với pháp luật.
Bên cạnh đó, ông khẳng định việc bố trí người ở tòa đảm bảo quyền bình đẳng cho người dân khi tiếp cận pháp luật. “Việc có trợ giúp viên pháp lý trực tại toà sẽ giúp nâng cao trình độ dân trí về pháp lý, nâng cao chất lượng xét xử và sớm tiếp cận với đối tượng cần được trợ giúp pháp lý” – Ông Đạt nói.
Tuy nhiên, ông Đạt cho hay hoạt động bố trí trợ giúp viên pháp lý chỉ mới có ở quận 5 và quận 10, và phân công người trực điện thoại từ các địa phương khác vì nhân lực của trung tâm chưa đủ để thực hiện trực tiếp ở nhiều địa điểm trên thành phố.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó chánh án TAND TP.HCM, tỏ ra tiếc nuối về điều này. Bà nói: “Đáng tiếc, hoạt động chỉ mới thực hiện được ở hai TAND quận 5 và quận 10. Hy vọng rằng trung tâm sẽ sớm mở rộng mô hình để giúp người dân tiếp cận trợ giúp sớm nhất và cũng như hoạt động của tòa án”.
Bà Dung cho biết TAND TP.HCM phải thực hiện xét xử số lượng vụ án rất lớn, tương đương 1/6 lượng án của cả nước trong một năm. Tuy nhiên, biên chế thẩm phán không tăng nên một thẩm phán phải làm lượng công việc gấp 3-4 lần ở các địa phương khác.
Bởi vì thế, trong công tác xét xử, thẩm phán cũng như các thư ký khó gặp phải nhiều hạn chế trong việc tư vấn cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TP.HCM, đánh giá cao chương trình phối hợp giữa tòa và Sở tư pháp. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Bà Dung đánh giá rằng việc ký kết chương trình này sẽ là hoạt động trợ giúp hiệu quả cho hoạt động tại tòa án. “Nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn không thể thuê luật sư tư vấn pháp luật sẽ cần đến sự giúp đỡ của các trợ giúp viên pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý sẽ là cánh tay đắc lực, “chia lửa” cùng tòa án trong các hoạt động tố tụng. Chúng tôi luôn trân trọng và đón nhận sự giúp đỡ từ trung tâm”, Phó Chánh án TAND TP.HCM dành lời cảm ơn các hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nhận định việc bố trí trợ giúp viên pháp lý tại tòa sẽ góp phần giúp đỡ người dân nhận được tư vấn ngay tại tòa thay vì phải đến trực tiếp trung tâm. Điều này làm cho hoạt động xét xử được nhanh chóng, đồng thời đảm bảo quyền con người, công dân trong hoạt động tố tụng.
Trợ giúp pháp lý trực tại toà là ai?
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM, các trợ giúp viên pháp lý của trung tâm đều là những cử nhân luật, thạc sĩ luật. Ngoài ra, các trợ giúp viên cũng phải trải qua các lớp luật sư và khóa học trợ viên pháp lý trước khi làm việc.
Trợ giúp viên pháp lý trực tại tòa sẽ được sắp xếp phòng riêng ở các TAND. Người dân khi đến TAND quận 5 và quận 10 nếu chưa hiểu thủ tục tại tòa có thể gặp các trợ giúp viên để nhận được tư vấn. Ở các địa phương chưa có trợ giúp viên trực tại tòa, người dân có thể gọi điện đến số điện thoại 0288.270.9192 để nhận được trợ giúp qua điện thoại.