Tăng giá nước vì... thủy điện

Dù chưa đến mùa khô nhưng từ sau tết, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã như ngồi trên lửa. Độ mặn ở vùng hạ du sông Vu Gia thuộc TP Đà Nẵng đã vượt mức cho phép. Hạn hán sớm, thiếu nước trầm trọng đang đe dọa TP Đà Nẵng vì các thủy điện đã chặn dòng, giữ nước ở thượng nguồn.

Nhiễm mặn triền miên

Để có nước phục vụ cho 1 triệu người dân, Dawaco phải lấy nước tại hồ thủy lợi An Trạch (huyện Hòa Vang). Nguyên nhân là vì nguồn nước từ sông Vu Gia tại khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ đã nhiễm mặn nặng. Dawaco phải “cắn răng” tăng chi phí vận hành lấy nước thô từ 1.500 đến 1.600 m3/ngày để phục vụ nhân dân.

Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Dawaco, cho biết: “Trước đây nhiễm mặn một năm chỉ vài ngày nhưng từ khi có ổng (thủy điện - PV) thì nhiễm mặn, thiếu nước liên tục suốt 6-7 tháng trời. Một phần vì biến đổi khí hậu nhưng nguyên nhân chính là do thủy điện thượng nguồn gây ra”.

Thủy điện chặn từ thượng nguồn sông Vu Gia khiến nước cạn kiệt ở hạ du TP Đà Nẵng nên Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng buộc phải tăng giá nước. Ảnh: LÊ PHI

Do tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng, công ty đã phải kêu cứu ra Tập đoàn Điện lực. “Chúng tôi kêu họ xả đủ nước về An Trạch để còn có cái mà bơm chứ không dám kêu họ xả để đẩy mặn” - ông Ảnh cho hay.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng: “Bình thường nhiễm mặn chỉ bắt đầu từ tháng 5-6-7 khi không có mưa tiểu mãn. Trước đây, ba bốn năm mới có một năm nhiễm mặn kéo dài nhưng từ khi có thủy điện, đặc biệt là thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng lấy nước của sông Vu Gia xả về Thu Bồn thì nhiễm mặn triền miên”.

Tình trạng nhiễm mặn không chỉ gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Cứ đến hẹn lại lên, ngành nông nghiệp phải vắt chân lên cổ đi bơm nước chống hạn, chống mặn cứu hàng ngàn hecta lúa của TP. Khoản chi phí này cũng không hề nhỏ.

Tăng giá nước vì thủy điện

 Ngay từ đầu tháng 2, UBND TP đã quyết định tăng giá nước sinh hoạt, nước kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Thậm chí giá nước sinh hoạt tại nông thôn cũng tăng lên. Nguyên nhân của việc tăng giá này một phần là vì thủy điện chặn dòng ở thượng nguồn khiến nước sông nhiễm mặn, đẩy Dawaco vào thế phải “vác” máy bơm, đường ống, nhân lực đi lấy nước từ nơi khác về sản xuất, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh phải tăng chi phí vận hành vì phải đi lấy nước từ nơi khác, việc chặn dòng, giữ nước của thủy điện Đắk Mi 4 còn buộc Dawaco phải mua nước thô trên 300 đồng/m3 tại hồ thủy lợi An Trạch. “Chi phí tiền nước thô, chi phí để đi lấy nước từ nơi khác về, giá điện tăng… buộc giá nước phải tăng để đảm bảo thu chi” - ông Phan Thịnh, kế toán trưởng của Dawaco, cho biết. “Năm 2013 chi phí phát sinh do phải đi lấy nước từ hồ An Trạch (12,3 tỉ đồng) TP không tính vào giá nước nhưng nay thì phải tính” - Giám đốc Ảnh chia sẻ.

Trả lời cho câu hỏi có yêu cầu thủy điện bồi thường cho khoản tăng chi phí này không, ông Ảnh bộc bạch: “TP cũng đã tính tới việc đó nhưng rất khó tính ra thiệt hại cụ thể”.

LÊ PHI

Bắt đầu từ tháng 2-2014, giá nước tại TP Đà Nẵng sẽ tăng như sau: Giá nước sinh hoạt hộ dân cư tăng từ 3.523 đồng/m3 lên 3.809 đồng/m3 (đối với 10 m3đầu tiên) và tăng từ 4.190 đồng/m3 lên 4.571 đồng/m3 (đối với 10 mđến 30 mtiếp theo); giá nước kinh doanh dịch vụ cũng tăng từ 11.619 đồng/m3 lên 12.857 đồng/m3. Ngoài ra, giá nước sinh hoạt tại nông thôn cũng tăng thêm từ 100 đến 200 đồng/m3.

Với mức giá này, chị Nguyễn Thị Hải (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho biết:  “Chúng tôi không phản đối quyết định của TP.  Tuy nhiên, TP cần tính sòng phẳng với các thủy điện để họ bồi thường chứ không thể để dân bù như vậy”.

Việc thiếu nước hiện nay đối với Đà Nẵng là rất nghiêm trọng. Thủy điện làm cho nguồn nước bị đục bẩn, môi trường thay đổi nên cũng phải đầu tư xử lý, giá nước tăng có nguyên nhân chính cũng là do thủy điện.

Ông HUỲNH VẠN THẮNGPhó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm