Tăng giải ngân vốn đầu tư công cho TP.HCM: Cần hành động ngay

Tăng giải ngân vốn đầu tư công cho TP.HCM: Cần hành động ngay

(PLO)- Giải ngân vốn đầu tư công là dòng vốn mồi để dẫn dắt các động lực khác giúp TP.HCM phát triển và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% đề ra trong năm 2024.

Sáng nay (13-1), UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng (đạt 70% tổng vốn được giao) nhưng từ cuối năm tình hình đã có những chuyển biến rõ nét và đạt những chỉ số tích cực.

“Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là động lực phát triển cho TP.HCM trong năm 2024 và việc TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5%-8% trong năm 2024 là hoàn toàn có thể đạt được” - ông Ngân nói và nhìn nhận tại TP.HCM một đồng vốn đầu tư công bỏ ra có thể thu lại đến 10 đồng. Hơn thế, khi đầu tư công được thúc đẩy, các dự án, công trình dần hình thành sẽ mở đường cho nhiều đồng vốn đầu tư xã hội đầu tư cho nền kinh tế.

PGSTS-Tran-Hoang-Ngan.jpg
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: THANH TUYỀN

01. Đầu tư công giải quyết đa mục tiêu

. Phóng viên: Ông có thể lý giải vì sao giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là động lực chính phát triển TP.HCM lúc này?

+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Nhìn tổng quan, chúng ta sẽ thấy ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, hay còn gọi là “cỗ xe tam mã” bao gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Tại TP.HCM, từ quý IV-2022, ba động lực này bắt đầu bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình biến động, khủng hoảng của thế giới. Nhiều nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng lãi suất ảnh hưởng đến tổng cầu của thế giới, làm cho các đơn hàng bị cắt giảm, trong khi đó chi phí vận chuyển lại tăng cao... Từ đó, thương mại toàn cầu bị sụt giảm, kéo theo động lực xuất khẩu của Việt Nam bị suy giảm, ngành dịch vụ đi liền ngành xuất khẩu (thương mại, vận tải, kho bãi, dịch vụ logistics) bị ảnh hưởng.

Khi xuất khẩu bị ảnh hưởng, thu nhập cũng bị ảnh hưởng theo, số lao động bị cắt giảm, ảnh hưởng đến lĩnh vực tiêu dùng.

Dịch COVID-19 bùng phát, lúc đó thu nhập và mức tích luỹ trong dân dần hết, ý thức tiết kiệm sẽ tăng lên nên yếu tố này cũng bị ảnh hưởng. Dù năm 2023 đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn so với trước thời điểm dịch.

Đầu tư tư nhân chiếm đến 70% trong tổng vốn đầu tư xã hội của TP nhưng cũng chưa phục hồi. TP phải đương đầu giải quyết những phát sinh như vụ Vạn Thịnh Phát, Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát về phát hành trái phiếu, bất động sản làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng…

Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp ngày càng khó vì ngân hàng phải siết chặt để hạn chế tác động xấu, hạn chế nợ xấu, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng nhưng số vốn đăng ký lại giảm. Những ách tắc trong thể chế phải chờ Luật Đất đai sửa đổi được thông qua để tháo gỡ các điểm nghẽn...

Vì lẽ đó, đầu tư công của TP.HCM cũng như cả nước trở thành động lực quan trọng, giúp giải quyết đa mục tiêu cho TP.HCM. Cụ thể là thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, ngập nước, kẹt xe… Quan trọng nhất, đầu tư công còn giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động.

Đầu tư công cũng giúp cho sự phát triển bền vững trong tương lai, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh cấp TP. Và so với các nước, Việt Nam cũng thấp điểm hơn về vấn đề hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nên càng phải cố gắng thúc đẩy.

Cần đánh giá từ nhiều khía cạnh như vậy để thấy vì sao hiện nay chúng ta quan tâm, thúc đẩy đầu tư công.

Tăng giải ngân vốn đầu tư công cho TP.HCM: Cần hành động ngay
Chúng ta không thể chỉ dựa vào tỉ lệ giải ngân đầu tư công để đánh giá mà cần dựa vào số dự án được triển khai và đánh giá khả năng xoay xở nguồn vốn, số tiền mà địa phương đã giải ngân... Ảnh: NHƯ NGỌC

02. Không nên chỉ nhìn vào con số giải ngân

. Năm 2023, lãnh đạo TP.HCM đã có những chỉ đạo quyết liệt để tăng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM, ông nhìn nhận hiệu quả từ điều này như thế nào?

+ Năm 2023, trong bối cảnh chồng chất nhiều khó khăn, TP.HCM phải hứng chịu nhiều tác động từ cả bên trong và bên ngoài, vừa phải phục hồi sau đại dịch COVID-19 vừa đương đầu với nhiều thử thách mới.

Tuy nhiên, TP.HCM đã có rất nhiều nỗ lực, đến nay ước tính giải ngân gần 50.000 tỉ đồng. Con số này cao gấp đôi bình quân của năm năm giai đoạn 2018-2022 và gấp 2,5 lần so với bình quân 10 năm giai đoạn 2013-2022.

Vì vậy, không thể chỉ dựa vào tỉ lệ giải ngân đầu tư công để đánh giá mà cần dựa vào số dự án được triển khai và đánh giá khả năng xoay xở nguồn vốn, số tiền mà địa phương đã giải ngân. Bởi sau khi được phân bổ, một loạt nhiệm vụ sau đó phải tính toán như ở đâu có nguồn vốn để làm, thủ tục pháp lý ra sao, thu hồi đất rồi tái định cư cho người dân có nơi ở mới tốt hơn…

Chẳng hạn, quý I-2023, TP chỉ mới giải ngân 1.600 tỉ đồng, đạt 2,3% và đó đã là lời cảnh báo. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập các tổ công tác để xuống kiểm tra, hỗ trợ chủ đầu tư tháo điểm nghẽn, HĐND cũng có các đợt giám sát, kiểm tra cùng với chủ đầu tư… Đó còn là sự lăn xả, lao động ngày đêm của đội ngũ người lao động trên công trường...

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, nhiều công trình như các cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), Long Đại (TP Thủ Đức), Vàm Chè, Vàm Kinh… được hoàn thành sau nhiều năm dang dở.

cau-long-dai-13-1146-2942.jpg
Cầu Long Đại nối hai phường Long Bình và Long Phước, TP Thủ Đức khi thông xe (ngày 16-12), đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: ĐÀO TRANG

03. Còn nhiều việc phải làm trước thách thức kép

. Mục tiêu tăng trưởng mà TP đặt ra năm 2024 là 7,5%-8%. Những điểm tựa nào để thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

+ So với tiềm năng và lợi thế của mình, TP.HCM hoàn toàn có thể tăng trưởng ở mức này. Ba năm liên tiếp trước dịch (từ 2017 đến 2019), mức tăng trưởng của TP.HCM đã đạt 7,9%-7,95%.

Trong tháng đầu tiên của năm 2024, ba động lực đầu tư gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư thương mại đang phục hồi và đều có tín hiệu tốt. Chính sách tiền tệ đang được mở rộng, ngân hàng nhà nước đang phân bổ vốn tín dụng thì khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn.

Thị trường chứng khoán đang phục hồi, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp để huy động vốn cũng có nhiều thuận lợi…

Những tuyến đường đã được xây dựng xong, đưa vào sử dụng, những cây cầu nối hai bờ sông cũng dần hoàn thành… Đầu tư công sẽ sớm lan tỏa, sẽ mở ra đầu tư xã hội trong thời gian tới.

Ngoài ra, năm 2023, lượng kiều hối đổ về TP.HCM lên tới 8,92 tỉ USD (năm 2022 con số này là 6,6 tỉ USD). Như vậy, lượng tiền này sẽ có tác động lan toả đến việc tăng tiêu dùng trong quý I-2024 này.

Cũng trong quý I-2024, TP.HCM sẽ trình Chính phủ sớm thông qua hai quy hoạch quan trọng gồm điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khi hai quy hoạch được ban hành sẽ tháo gỡ cho người dân về xây dựng nhà cửa đất đai, chuyển quyền sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất đô thị… Quá trình đầu tư xây dựng cũng vì thế tăng lên trong năm nay, lan tỏa đến đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng...

Với những tiền đề nêu trên, chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 mà TP đặt ra vừa để phấn đấu, vừa thể hiện một sự khát vọng vươn lên thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP và mục tiêu Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

2024-01-2-PLO-giai-ngan-tphcm-.jpg
Đồ họa: THÙY TRANG

. Vậy TP.HCM sẽ phải làm gì trong thời gian tới để thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như tạo động lực phát triển kinh tế?

+ Năm 2024, TP xác định giải ngân đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng và được quan tâm ngay từ đầu năm. Thành uỷ, HĐND cũng sẽ tăng cường tổ công tác để hỗ trợ cho đầu tư, triển khai dự án. Quan trọng nhất, từ việc thúc đẩy đầu tư công sẽ tạo nền tảng để phát triển bền vững trong tương lai. Khi đó, đầu tư xã hội cũng sẽ đi liền, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng tăng vì hạ tầng giao thông sẽ thuận tiện hơn.

Việc giải ngân đầu tư công phải thông qua nhiều khâu. Ngoài chuẩn bị vốn, còn phải lo thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư... qua hàng loạt quy định của các luật và mất nhiều thời gian.

79.000 tỉ đồng

là số vốn đầu tư công dự kiến của TP.HCM trong năm 2024. Trong đó, từ ngân sách địa phương 75.577 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ 3.686 tỉ đồng. TP.HCM đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 95%.

Chính vì vậy, muốn làm tốt phải chuẩn bị hồ sơ, việc thu hồi đất, chuẩn bị mặt bằng ngay từ bây giờ. Sự vào cuộc, tăng cường kiểm tra, giám sát, trực tiếp xuống hiện trường của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy để tháo gỡ khó khăn cho các dự án thời gian qua cần được phát huy mạnh mẽ. Cấp ủy và bí thư các quận, huyện, TP Thủ Đức cam kết với Ban Thường vụ Thành ủy TP ngay từ đầu năm sẽ thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn nội tại thì TP sẵn sàng nhận nguồn phân bổ rất cao của Trung ương với con số từ 32.000 tỉ lên đến 68.000 tỉ đồng. Trong năm 2024, con số này lên đến 79.000 tỉ đồng. Như vậy TP phải nỗ lực gấp bội lần, làm việc với công suất 200% mới mong xoay sở được.

Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức kể cả bên trong lẫn bên ngoài, còn gọi là thách thức kép. Do đó, TP phải nỗ lực nhiều hơn, hành động ngay từ những tháng đầu năm.

giai-ngan-von-dau-tu-cong-tphcm.jpg
Thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM đã kêu gọi cho hàng loạt các dự án đầu tư, thúc đẩy quy hoạch vốn của nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển hạ tầng... Ảnh: NGUYỄN TIẾN

. Nghị quyết 98 đã vận hành trong thực tế, vậy TP cần triển khai, cụ thể hoá các giải pháp nào để có thể thúc đẩy việc giải ngân, cũng như đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề raxa hơn là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11?

+ Sự quan trọng của việc cụ thể hóa Nghị quyết 98 đã được TP.HCM cân nhắc, chính thức đưa vào chủ đề năm 2024 của TP.HCM.

Khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua, HĐND TP.HCM đã ban hành 25 Nghị quyết có liên quan để cụ thể hoá các cơ chế. Đồng thời, kêu gọi cho hàng loạt các dự án đầu tư, thúc đẩy quy hoạch vốn của nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển hạ tầng; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…

TP.HCM cũng đã tận dụng Nghị quyết 98 để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trả mức lương cao cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt…

TP đang tập trung vào ba đột phá chiến lược trong năm 2024 là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực. Việc còn lại là triển khai thực hiện cho tốt nhất có thể, mang lại hiệu quả tích cực từ các cơ chế này.

Song song đó, nếu TP làm tốt chuyển đổi số cũng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Góp phần thúc đẩy chính quyền số, ứng dụng công nghệ số, hạ tầng số để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, nhanh hơn. …

Mặt khác, chuyển đổi số cũng hỗ trợ cho kinh tế số phát triển; lĩnh vực y tế số, giáo dục cũng đang chuyển đổi số rất mạnh. TP cũng xây dựng kho dữ liệu dùng chung để đồng bộ dữ liệu.

Tới đây, TP cần đầu tư thêm hạ tầng công nghệ thông tin và việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung kết nối chia sẻ, bảo vệ an toàn trên không gian mạng. TP cũng sẽ thành lập trung tâm chuyển đổi số để hỗ trợ việc quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ công và hỗ trợ khối doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số…

Những động lực này đã góp phần cho tăng trưởng trong những năm vừa qua của TP, bây giờ sẽ củng cố, đầu tư thêm để có thể đóng góp được nhiều hơn, hiệu quả hơn. Kinh tế số, xã hội số và chính quyền số góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Thiết lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp

Sau khi chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thể trạng của các doanh nghiệp vẫn chưa khoẻ hẳn lại gặp ngay các tác động từ thế giới như xung đột Nga- Ukraina, khủng hoảng xăng dầu…

Cùng đó, vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra đã ảnh hưởng đến tình hình phát hành trái phiếu để huy động vốn, các dự án bất động sản bị đóng băng…

Vấn đề với doanh nghiệp hiện nay là họ vay để làm gì. Họ phải có cơ hội đầu tư nhưng thực tế hiện nay đã làm ảnh hưởng tới cơ hội đầu tư của doanh nghiệp không được mở rộng để sản xuất kinh doanh, chứ không phải là có tiền mà không xài được.

Hơn thế nữa, hiện khi doanh nghiệp muốn vay vốn cũng không đảm bảo được điều kiện vay. Vì vậy, phải củng cố và khôi phục, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vì họ không có điều kiện để vay.

Ngoài ra, có thể dùng ngân sách để hỗ trợ cho quỹ bảo lãnh này, khi doanh nghiệp hoạt động được, đầu tư mở rộng doanh nghiệp có lợi thì sẽ đóng thuế để tăng nguồn thu ngân sách.

PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN

Đọc thêm