Tăng lương: Đồng thuận nhưng chưa đồng lòng

Ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương quốc gia gồm Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dưới sự chủ trì của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 để trình Chính phủ.

Thống nhất mức tăng 2016 là 12,4%

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết với số phiếu đồng thuận là 92,8%, hội đồng đã bỏ phiếu và thống nhất mức tăng lương tối thiểu trình Chính phủ năm 2016 là 12,4%.

Ông Huân cho hay đại diện người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động đều mong muốn mức tăng lương khác nhau (trước đó Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 16,8%, trong khi VCCI đề xuất mức 10,7%). “Nhưng vì giữa mong muốn và thực tế có những khoảng cách khác nhau và cơ chế hội đồng là cơ chế đồng thuận nên phải thuận theo sự thống nhất trên”.

Theo ông Huân, đối với doanh nghiệp (DN) chỉ đáp ứng được mức tăng lương tối thiểu 6%-7% thì phải tiết kiệm, đẩy mạnh năng suất, tổ chức lao động hợp lý nhằm có thêm nguồn chăm lo cho người lao động. Vì NLĐ là nguồn lực rất quan trọng để cho DN tồn tại ổn định và phát triển...

Tuy nhiên, “trong quá trình điều chỉnh lương, các DN nên tiếp tục đánh giá mức đóng BHXH, khả năng chịu đựng DN ra sao rồi trình các cơ quan chức năng xem xét, thay đổi chính sách hợp lý... Đối với NLĐ mức tăng lương này đáp ứng được trên 80% mức sống tối thiểu của NLĐ” - ông Huân nói.

Hội đồng Tiền lương quốc gia trả lời báo chí sau cuộc họp. Ảnh: VIẾT LONG

Nhưng chưa thỏa mãn cả hai phía

Kết thúc phiên họp kín, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI đều tỏ vẻ không hài lòng với mức trên. Tuy nhiên, hai bên đều cho biết phải chấp nhận một con số “vừa lòng” với các thành viên hội đồng tiền lương.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết trong phiên thảo luận thứ ba, chúng tôi vẫn giữ nguyên đề xuất 16,8%. “Tuy nhiên, sau quá trình phân tích chúng tôi chấp nhận nhân nhượng với mức tăng lương tối thiểu thấp nhưng cũng bằng mức tuyệt đối năm 2015. Vì vậy, tôi cho rằng NLĐ sẽ chia sẻ với DN được...” - ông Chính nói. 

Theo ông Chính, việc tăng lương trên sẽ không ảnh hưởng đến DN vì quá trình khảo sát tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội nhiều DN đã trả lương cho NLĐ 5-6 triệu đồng/tháng. Như vậy DN đã trả lương gấp đôi mức tăng lương tối thiểu. DN chỉ bị ảnh hưởng bởi mức tiền đóng BHXH từ đầu năm 2016 (đóng theo mức lương và cả phụ cấp) nhưng không lớn.

Đáp lại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, khẳng định việc thông qua mức lương trên VCCI vẫn chưa thực sự thuyết phục. “Vì như tôi đã từng phân tích hiện nay DN trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tăng lương trên dưới 10% cũng đã vượt quá mức chi trả của DN. Bởi qua khảo sát 16 hiệp hội DN trong và ngoài nước thì có 14 hiệp hội DN nước ngoài đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 5%-9%. Sau đó chúng tôi tính toán các con số và chốt đề xuất tăng 10,7%. Tuy nhiên, quá trình họp hội đồng đa số chấp thuận mức tăng 12,4%, con số trên chúng tôi không thể thỏa mãn dù hội đồng đã thông qua nhưng cơ chế của hội đồng tiền lương là cơ chế đồng thuận nên chúng tôi phải chấp nhận...” - ông Phòng nói.

Ông Phòng cũng nhận định việc tăng lương cũng đòi hỏi DN phải phấn đấu cật lực hơn để tăng cường khả năng hội nhập cũng như khả năng chi trả cho NLĐ, mặc dù đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong thời gian tới. “Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến của DN nhằm kiến nghị điều chỉnh mức đóng BHXH, các khoản liên quan cũng như giãn lộ trình tăng lương tối thiểu để giảm gánh nặng cho DN. Về cơ quan chức năng, tôi mong muốn khi có các kiến nghị đó cần khẩn trương xem xét để có các quyết sách kịp thời gỡ khó khăn của DN cũng như tăng khả năng chi trả của DN nhằm đáp ứng được yêu cầu tăng lương tối thiểu” - ông Phòng nêu ý kiến.

Ông NGUYỄN VĂN KHẢI, Phó Chủ tịch  Thường trực LĐLĐ TP.HCM:

Quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ

Với phương án lương tối thiểu vùng đã chốt có mức tăng bằng năm ngoái chứ không có gì biến động lớn, dĩ nhiên mức tăng này không đáp ứng mức sống tối thiểu và đấu tranh của đại diện NLĐ. Tuy nhiên, nhìn rộng ra nền kinh tế có tăng trưởng nhưng vẫn còn khó khăn nên tạm chấp nhận. Do vậy với mức tăng này có ý nghĩa NLĐ cùng chia sẻ khó khăn với DN.

Còn so với lộ trình năm 2017, mức lương đáp ứng mức sống tối thiểu thì vẫn còn khoảng cách khá xa. Còn hiện tại mức lương chỉ đáp ứng hơn 75% mức sống tối thiểu, tuy nhiên đưa ra yêu cầu quá cao trong lúc này sẽ khiến DN thêm phần khó khăn, khó đáp ứng đầy đủ.

Cũng cần nhớ rằng phương án trên mới chỉ là biểu quyết thông qua của Hội đồng Tiền lương quốc gia, quyết định cuối cùng của Chính phủ.

___________________________________

Nhìn đời sống công nhân mà rơi nước mắt

Mức tăng trên là quá thấp. Vì qua điều tra một số DN tại Hà Nội thì nhiều đơn vị đã trả lương cho công nhân vượt số tiền trên nhưng đời sống của công nhân vẫn chưa khá là bao. Ngoài ra, theo tìm hiểu của tôi, các khoản đóng BHXH, BHTN... của DN chỉ chiếm 3%-4% doanh thu của DN nên tăng lương không ảnh hưởng nhiều đến các DN và chính họ đã nói với tôi là không ảnh hưởng. Vì thế nếu áp dụng mức tăng trên, công nhân sẽ tiếp tục khó khăn vì các chi phí sinh hoạt hiện rất cao. Mỗi lần đi vào khu công nhân nhìn họ sống mà tôi rơi nước mắt, họ ăn uống như vậy thì không thể đủ sức để lao động mà không có sức khỏe thì năng suất lao động giảm và người thiệt là DN.

Ông NGUYỄN ĐÌNH THẮNG,
Phó Chủ tịch công đoàn KCN Hà Nội

Công nhân còn khổ...

Tôi rất vui khi biết năm 2016 sẽ tăng lương thêm 400.000 đồng. Tuy việc tăng lương trên vẫn chưa đáp ứng được cuộc sống của NLĐ. Mỗi tháng chúng tôi phải làm thêm cật lực mới đủ tiền ăn, tiền phòng... Nếu tăng lương như vậy công nhân sẽ tiếp tục khổ khi giá cả ngày càng cao...

Anh NGUYỄN VĂN HẬU, công nhân KCN và KCX Hà Nội

Tăng lương thế này phải tăng năng suất lao động

Mức tăng như trên là áp lực cho các DN dệt may Việt Nam. Nên sắp tới chúng tôi phải đề ra giải pháp cho chiến lược nhằm tăng năng suất lao động, đào tạo nguồn lực để có thể đáp ứng tay nghề cho NLĐ nhằm đảm bảo áp lực tăng chi phí từ năm 2016. Việc tăng lương trên toàn ngành dệt may phải tăng BHXH lên 6.000 tỉ đồng/năm.

Ông VŨ ĐỨC GIANG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới