Sáng 3-5, đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri ngành giáo dục về dự án Luật giáo dục (sửa đổi). Buổi tiếp xúc có sự tham dự của hơn 100 người là giáo viên, người làm trong ngành giáo dục tại Đà Nẵng.
Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri ngành giáo dục về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: TẤN VIỆT
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Hữu Phương, Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Thanh Khê, đề cập đến mâu thuẫn trong chính sách tiền lương cho giáo viên hiện nay.
Cụ thể, các thầy cô tốt nghiệp đại học, trúng tuyển vào trường thì lương phải xấp vào ngạch bậc hai. Nhưng thực tế các giáo viên trúng tuyển chỉ được hưởng lương bậc trung cấp, tức giáo viên bậc bốn, hệ số 1,86. Việc này gây nhiều khó khăn cho đời sống của giáo viên.
Cùng quan điểm, một giáo viên khác cụ thể hơn, rằng chuẩn của giáo viên mầm non là bậc cao đẳng, chuẩn của giáo viên tiểu học và THCS là bậc đại học. Nhưng khi tuyển dụng vào thì giáo viên chỉ được hưởng lương bậc bốn trung cấp.
“Giáo viên hạng bốn có nghĩa là hưởng lương trung cấp, đó chính là bất cập. Chúng ta luôn nói chăm lo chế độ tiền lương cho nhà giáo nhưng chúng ta lại đi ngược lại. Một số giáo viên tiểu học sau khi trúng tuyển nhưng người ta không đến nhận quyết định vì lương họ nhận được là giáo viên bậc bốn, với hệ số 1,86 trong khi trình độ đào tạo là đại học”, giáo viên này nói.
Cũng theo người này, ngành giáo dục đang tự làm khó mình. Trong khi các ngành nghề khác được hưởng lương đại học đúng chuẩn thì giáo viên lại hưởng lương bậc bốn trung cấp cho hệ đại học. Giáo viên phải phấn đấu ít nhất tám năm mới lên được lương bậc một (!).
Tham gia ý kiến, ông Võ Văn Triết, đại diện cho phụ huynh học sinh tại Đà Nẵng cũng nhìn nhận chính sách lương như vậy là tội cho giáo viên.
“Đối với nghề giáo, đây là ngành nghề đặc thù nên nhà nước cần ưu tiên cho giáo viên trang trải cuộc sống. Đối với những người lao động phổ thông họ cũng kiếm được 400.000 đồng/ngày. Đề nghị đoàn ĐBQH có kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính phải nghiên cứu sâu vấn đề này”, ông Triết nói.
Ông Triết cũng khẳng định: “Các lãnh đạo thường trả lời tăng lương theo lộ trình, nhưng tăng giá thì lại điều chỉnh quá nhanh, đề nghị phải có cải cách trong tăng lương”.
Phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri, ông Nguyễn Thanh Quang, thành viên đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng ghi nhận các ý kiến. Ông Quang cho hay sẽ chuyển tải các băn khoăn, bức xúc của giáo viên liên quan tiền lương đến các Bộ, ngành để trả lời. Đồng thời, kỳ họp Quốc hội sắp đến, đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng sẽ phản ánh đầy đủ vấn đề này.