Hôm nay (6-8), Hội đồng Lương Quốc gia trong đó có lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuộc họp để tiếp tục bàn thảo về việc tăng lương tối thiểu. Trước thực tế khó khăn như hiện nay, việc tăng lương như thế nào để người lao động có thể sống được nhưng vẫn không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (DN) đang là một bài toán nan giải, còn nhiều tranh cãi.
Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
Năm 2015 phải tăng thêm 23%
Kết quả khảo sát tình hình tiền lương và đời sống của công nhân lao động cho thấy tiền lương tối thiểu tương ứng với bốn vùng hiện đang áp dụng chỉ đạt từ 67% đến gần 70% mức sống tối thiểu. Như vậy để lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu như cam kết của các nhà làm chính sách với người lao động khi sửa Luật Lao động năm 2012 thì năm 2015 lương tối thiểu phải tăng từ 30% đến 33%. Do không thể tăng đột ngột một lúc nên nhiều ý kiến đồng ý lấy năm 2017 làm mốc lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Vì vậy bắt đầu từ năm 2015, lương tối thiểu phải tăng thêm 23% so với mức đang áp dụng.
Theo tôi, muốn đến năm 2017 lương tối thiểu đạt mức sống tối thiểu thì mỗi năm phải tăng 10% đến 11%, cộng với trượt giá trong năm khoảng 8% nữa thì năm 2015 lương tối thiểu phải tăng ít nhất 19% đến 20% thì mới hợp lý. Nếu cứ viện lẽ kinh tế đang khó khăn nên khi tăng lương sẽ tăng thất nghiệp thì bao giờ mới thực hiện được cam kết tăng lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu cho người lao động, nhất là những công nhân không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương. Trong trường hợp Tổng Liên đoàn Lao động và VCCI không thống nhất được mức tăng lương tối thiểu thì Bộ LĐ-TB&XH sẽ quyết định mức tăng để trình Chính phủ.
Hiện tiền lương tối thiểu của công nhân chỉ đạt từ 67% đến gần 70% mức sống tối thiểu. Trong ảnh: Công nhân sản xuất ở TP.HCM đi chợ chiều sau giờ tan ca. Ảnh: HTD
Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI:
Tăng 14% là phù hợp
Chúng tôi đề nghị phương án điều chỉnh lương trung bình năm 2015 tăng tối đa chỉ khoảng 14% so với năm 2014. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế, mức độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng năng suất lao động, nếu trong các năm 2016, 2017 và 2018 chúng ta tăng bình quân khoảng 15%/năm thì đến 2018 mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Mức tăng lương tối thiểu 14% trong năm 2015, nếu được thực hiện, theo tôi đã là một nỗ lực lớn của cộng đồng DN. Mức 14% đủ bù 5% dự kiến cho mức tăng của giá cả sinh hoạt (CPI), 3% cho mức tăng năng suất và 6% để rút ngắn khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Nếu theo phương án này, sau khi loại trừ yếu tố giá thì mức tăng lương tối thiểu năm 2015 đã đạt gấp ba lần mức tăng năng suất (9% so với 3%). Song tôi lo rằng nếu không có giải pháp tích cực về quản trị, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất thì việc tăng lương này sẽ làm suy giảm mạnh năng lực cạnh tranh của DN. Khi mức lương tối thiểu lên 14% thì thực tế quỹ lương của DN chi trả cho người lao động tăng lên tới gần 20% vì ngoài mức tăng lương DN phải chi trả thêm mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, phí công đoàn... Bên cạnh đó, doanh thu tính trên đầu người của người lao động tăng rất thấp, năng suất lao động xã hội chỉ tăng hằng năm khoảng 3% nên đơn giá tiền công cũng tăng thêm với tốc độ nhanh. Ngoài ra, các chi phí nhà xưởng, điện nước, khấu hao máy móc thiết bị, bảo hành... cũng tăng do ảnh hưởng kép của việc thay đổi mức lương tối thiểu…
Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu:
Đã trả 5 triệu đồng cách đây 3-4 năm
Mức lương tối thiểu được đề xuất cao nhất (vùng 1) là 3,4 triệu đồng/tháng và thấp nhất (vùng 4) là 2,3 triệu đồng/tháng. Tưởng là cao nhưng thật sự DN trả lương cho người lao động ở mức lương tối thiểu đó cách đây 3-4 năm rồi. DN toàn đi trước còn chính sách nhà nước cứ đi sau!
Hiện nay DN chúng tôi đang trả mức lương tối thiểu cho mỗi công nhân là 5 triệu đồng/người/tháng mà còn kiếm không ra lao động. Sắp tới chúng tôi phải nâng mức lương này lên 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng mới may ra kéo được họ vào công ty làm việc.
Ông BÙI HỮU NGHĨA, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Da xuất khẩu 30/4 (TP.HCM):
Không quan trọng mức tăng
Mức tăng lương bao nhiêu không quan trọng mà Chính phủ cần chú trọng đến việc quản lý điều hành nền kinh tế vĩ mô. Đặc biệt nhất là vấn đề lạm phát, trượt giá, chứ tăng lương mà lạm phát tăng, kinh tế khó khăn thì DN càng gặp khó, cắt giảm lao động hoặc phá sản. Khi đó người lao động cũng lao đao, họ phải trả thêm nhiều chi phí cho cuộc sống, đồng tiền ngày càng rớt giá, rồi DN kinh doanh bết bát thì công việc cũng khó tìm.
DN ai cũng muốn đảm bảo cuộc sống cho người lao động vì khi người lao động ổn định cuộc sống thì DN mới ổn định sản xuất, kinh doanh. Mức lương công nhân được quyết định bởi tình hình kinh tế, nếu DN được tạo điều kiện phát triển thì họ tự đưa ra mức lương hợp lý, người lao động sẽ đồng tình.
THU HẰNG - QUANG HUY ghi
Lo nhiều hơn mừng Hiện nay công nhân ngành may đều được trả mức lương thấp nhất 4-4,5 triệu đồng/tháng. Với mức này thì mới có thể đáp ứng mức sống bình thường của người lao động. Đơn cử như hai vợ chồng làm công nhân có một đứa con, tổng thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng trả 2-2,5 triệu đồng tiền thuê nhà nếu ở vùng ven như quận 12 (TP.HCM); tiền học, ăn của con hết 2,5-3 triệu đồng/tháng. Như vậy đã tiêu tốn tiền lương của một người. Nếu tính tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt hằng ngày, xăng xe của cả gia đình, chưa kể tiền đám cưới, đám ma, thôi nôi họ hàng ở quê, bạn bè… thì chắt bóp lắm họ mới đủ sống. Ông ĐOÀN XUÂN QUANG, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Việt Hưng (may mặc) Hiện nay mức lương tối thiểu của tôi là 3,07 triệu đồng/tháng, nếu tính cả tăng ca thì tổng thu nhập chỉ được 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu mức tối thiểu tăng lên 3,4 triệu đồng/tháng thì tôi rất mừng. Tuy nhiên, nếu được hưởng mức lương tối thiểu cao nhất đó thì cũng chỉ tạm ổn cho mỗi bản thân mình chứ có gia đình, em bé hay ở TP.HCM thì không đủ. Lo nhất là mỗi lần tăng lương thì tiền thuê phòng trọ tăng lên, rồi giá rau, thịt, xăng xe cũng tăng theo. Tôi chỉ mong tăng lương nhưng giá cả đừng tăng. Chị PHẠM THỊ AN, công nhân Công ty May STN (KCN Mỹ Phước, Bình Dương) |