Theo đó, từ ngày 1/1/2015, Chính phủ sẽ dành một phần tiền từ khoản vượt thu năm 2014 để điều chỉnh tăng lương cho 3 nhóm đối tượng là người hưu trí, người có công và cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương dưới 2,34.
Đề xuất tăng lương này còn phải chờ Quốc hội thông qua vào ngày 10/11 tới.
Trong bối cảnh dự kiến lạm phát trong 2 năm 2014 - 2015 khoảng 8%, Chính phủ đề xuất 3 phương án điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/1/2015. Trong đó, Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án điều chỉnh tăng 8% đối với tiền lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công (số đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 2,9 triệu người) và tiền lương đối với bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ là trên 1,8 triệu người). Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép tiếp thu điều chỉnh tiền lương năm 2015.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.
Với một khoản tăng thêm ít ỏi, nhưng theo đánh giá của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, việc Chính phủ chi 11.100 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu tăng lương,là quyết định kịp thời.
Cùng chung quan điểm này, theo ông Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), về lâu dài, cần có một cuộc cải cách tiền lương lần thứ 2 chặt chẽ hơn và gắn với cải cách hành chính công. Chúng ta phải cải cách hành chính để việc của 10 người nhưng 6 - 7 người vẫn đảm đương được. Chỉ có tinh giản được bộ máy thì mới có nguồn để tăng lương.
Các phương án tăng lương của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phương án 1, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 33 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương bố trí khoảng 26 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 7 nghìn tỷ đồng để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,24 triệu đồng/tháng (tương đương mức tăng 90 nghìn đồng/ tháng, khoảng 8%); lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương cơ sở - mức tăng tương ứng mức lạm phát trong 2 năm 2014- 2015. Và thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Phương án 2, nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương bố trí khoảng 10 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và lương hưu đối với bộ phần công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp tăng 8%.
Năm 2011 đã thực hiện trợ cấp khó khăn đối với bộ phận công chức, viên chức có thu nhập thấp có hệ số lương 3,0 trở xuống, khi đó chưa có chế độ phụ cấp công vụ. Hiện nay, đã thực hiện phụ cấp công vụ 25% trên mức lương hiện hưởng, do vậy tương đương với người có hệ số lương 3,0 của năm 2011. Chính phủ kiến nghị tăng lương đối với người có hệ số lương 2,34 trở xuống (chiếm khoảng 35% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang).
Phương án 3, chỉ yêu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng, toàn bộ do ngân sách trung ương đảm bảo nhưng không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với toàn bộ công chức, viên chức, chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng 10%.