Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 9 ước đạt 57.260 tỉ đồng; lũy kế thu chín tháng đạt 636.000 tỉ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 85.410 tỉ đồng; lũy kế chi chín tháng ước đạt 768.000 tỉ đồng, đạt 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013; bội chi NSNN tháng 9 là 131.990 tỉ đồng, bằng 58,9% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá so với tiến độ thu 2012-2013 thì tiến độ thu ngân sách năm nay đạt khá. Với tình hình thu như hiện nay, thu ngân sách năm 2014 sẽ hoàn thành và vượt dự toán đề ra khoảng 9%. Tuy nhiên, dù nguồn thu vượt dự toán nhưng ngân sách vẫn không thể bố trí dành cho tăng lương.
Theo đó, ngân sách sẽ được dùng cho ít nhất ba khoản chi. Một phần được dành bù giảm thu cân đối cho ngân sách địa phương đã bị hụt do giảm thuế GTGT đối với nông lâm thủy sản về 0%. Một số chi cho chính sách an sinh xã hội đã được dự kiến từ lâu. Cuối cùng là phần chi dành để trả nợ.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi giá sữa nguyên liệu đã giảm nhưng giá sữa trong nước chưa giảm, ông Nguyễn Văn Truyền, Cục phó Cục Quản lý Giá, cho biết giá nguyên liệu sữa nhập đã giảm khoảng 18%, song doanh nghiệp (DN) sữa trong nước chưa giảm giá sữa thành phẩm. Theo ông Truyền, Nhà nước chỉ thực hiện việc bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi. Loại này thuộc dạng sữa công thức, có rất nhiều thành phần. Sữa nguyên liệu chỉ là một thành phần trong đó nên tác động tới giá thành không nhiều.
Bên cạnh đó, theo quy định, DN có thẩm quyền tự quyết định giá. Khi có điều chỉnh tăng hoặc giảm, DN chỉ cần gửi kê khai, đăng ký. Thế nhưng tính đến nay chưa có DN nào gửi đăng ký giảm giá sữa. “Cục đang tiếp tục theo dõi, khi cần thiết mới kiểm tra. Nếu phát hiện giá nguyên liệu giảm nhiều tác động tới giá thành mà DN không tự giảm giá thì sẽ yêu cầu DN giảm giá” - ông Truyền giải thích.
TRÀ PHƯƠNG