Tăng sức cho ‘con tàu’ xuất khẩu TP.HCM

Trong nhiều năm qua TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của thành phố có dấu hiệu chững lại, cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch. Theo góp ý của doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia, thành phố cần có các giải pháp đồng bộ trong phát hiện hệ thống hạ tầng logistics, thúc đẩy các nhóm sản phẩm xuất khẩu có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao.

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam:

Phải giảm chi phí logistics

Ông LÊ DUY HIỆP

Chi phí logistics hiện nay của Việt Nam và cả TP.HCM vẫn rất cao nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Riêng với TP.HCM, ngành logistics chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước với 65%, muốn thúc đẩy xuất khẩu thì cần giảm chi phí logistics. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được đối với ngành logistics. Thứ hai là tình trạng kẹt xe, dẫn đến cấm xe vận tải hàng hóa trong những giờ nhất định. Một xe tải có thể vận chuyển ba chuyến hàng mỗi ngày nhưng với tình trạng kẹt xe, kẹt cảng thì chỉ có thể vận chuyển một chuyến/ngày.

Thứ ba là thiếu sự kết nối các phương thức vận tải, mất cân đối về lượng hàng hóa được vận chuyển giữa các cảng. Hầu hết các hàng hóa xuất khẩu tập trung nhiều nhất ở cảng Cát Lái dẫn đến kẹt cảng, trong khi các cảng khác như cảng Hiệp Phước lượng hàng hóa lại rất ít do đường kết nối. Rồi hàng không cũng chung cảnh kẹt vì sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng thêm, số lượng đường băng cất, hạ cánh hạn chế, chi phí cao.

Cùng với đó là TP chưa có quy hoạch tổng thể bài bản về logistics và thiếu quỹ đất cho logistics. Muốn thúc đẩy xuất khẩu, TP.HCM cần phải điều chỉnh lại các khu vực cảng, ứng dụng công nghệ, rút ngắn thời gian, tăng liên kết vùng...

Ngoài ra, TP.HCM cần giảm tỉ lệ vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, tăng tỉ lệ vận chyển bằng đường thủy nội địa. Muốn vậy TP.HCM phải đánh giá lại năng lực của các cụm cảng trước khi có quyết định di dời, tránh lãng phí đầu tư. Cụ thể như cụm cảng IDC Trường Thọ nằm ở vị trí chiến lược kết nối TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai, năng lực vận chuyển hàng hóa đều tăng hằng năm. Năm 2018, có tới gần 2,8 triệu container lưu thông qua cụm cảng IDC này, vì vậy cần cân nhắc khi dời tới một vị trí khác.

Ông PHẠM HẢI LONG, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon:

Cần chính sách hỗ trợ DN tăng năng suất lao động

Ông PHẠM HẢI LONG

Muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường khó tính như Nhật, EU, Mỹ quy định đều rất chặt chẽ, DN phải có các giấy tờ chứng minh năng lực và được các tổ chức quốc tế xác nhận. Đáp ứng các điều kiện thì DN mới có “visa” giấy thông hành xuất hàng vào thị trường đó.

Chính vì vậy, DN xuất khẩu phải minh bạch trong quản trị và kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu tốt, nghĩa là năng lực quản trị và điều hành trong sản xuất phải chuẩn. Sau đó là tăng cường cạnh tranh bằng đầu tư công nghệ máy móc cả phần mềm và phần cứng. Cuối cùng, DN phải trả lương bổng thỏa đáng và chăm lo đời sống người lao động tốt.

Tuy nhiên, khó khăn đối với DN xuất khẩu hiện nay là thiếu lao động và bị kiểm soát về giờ làm thêm trong năm không được quá 300 giờ. Vì thế đã làm hạn chế năng suất lao động và thu nhập công nhân cũng thấp đi. Muốn xuất khẩu nhiều thì phải làm nhiều, tăng năng suất lao động mới theo kịp các nước trong khu vực.

TP.HCM nên có chính sách ưu tiên hơn cho DN xuất khẩu về cho thuê đất, giá điện và giá nước, hệ thống hạ tầng cho cảng xuất khẩu được nhanh chóng.

Bên cạnh đó, TP cũng cần hỗ trợ pháp lý cho các DN xuất khẩu về việc làm nhà cho công nhân ở để ổn định và thu hút lao động vì hiện nay có DN có đất trống mà không cách nào xây được nhà tạm cho công nhân ở.

Công nhân làm việc tại các khu công nghệ cao. Ảnh: QUANG HUY

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T:

Tăng xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường

Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG

Để thúc đẩy xuất khẩu, TP.HCM hiện nay phải cạnh tranh với nhiều địa phương khác nếu không muốn chậm lại. Lý do, nếu trước đây TP.HCM có các thế mạnh về sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, thu hút các DN xuất khẩu lớn nên kim ngạch xuất khẩu luôn dẫn đầu là điều dễ hiểu. Thế nhưng vài năm gần đây, nhiều DN xuất khẩu lại có xu hướng dịch chuyển về các địa phương. Vì các địa phương này đều đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng, cửa khẩu, cảng biển… Các địa phương còn có chính sách thu hút, ưu đãi đối với các DN về đầu tư, xuất khẩu, rất trọng DN.

Trong khi đó, dù TP.HCM hiện có những chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu, tuy nhiên các điều kiện đưa ra để được hỗ trợ lại không thực tế. Ví dụ để được hưởng ưu đãi về chính sách xuất khẩu thì DN phải có diện tích trồng trọt tại TP.HCM. Thế nhưng thực tế thì quỹ đất cho nông nghiệp tại TP.HCM rất ít, nhất là diện tích lớn. Vì vậy, TP.HCM cần phải sửa đổi các điều kiện để DN xuất khẩu được hưởng các chính sách ưu đãi thực sự.

Ngoài ra, đối với DN xuất khẩu, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ về xúc tiến thương mại, gặp gỡ các đối tác nước ngoài tới TP.HCM muốn mua sản phẩm gì, tiêu chuẩn chất lượng… TP cần kết nối, tổ chức các hội thảo, hội nghị để DN có thể tìm kiếm thêm nhiều khách hàng, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ông TRẦN VIỆT ANH, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM:

Lựa chọn sản phẩm nhiều chất xám

Ông TRẦN VIỆT ANH

Singapore rất thành công trong phát triển xuất khẩu, họ không xuất khẩu sản phẩm thô, không xuất khẩu dệt may, da giày, lúa gạo mà xuất khẩu công nghệ cao. Song song đó, Singapore thu tiền cả thế giới về dịch vụ xuất khẩu. TP.HCM có nhiều lợi thế về vị trí, con người, cảng biển… có thể học hỏi kinh nghiệm của Singapore, lựa chọn xuất khẩu hay dịch vụ xuất khẩu - logistics, cái nào là trọng điểm. TP.HCM nên lựa chọn một sản phẩm không dùng nhiều lao động mà dùng nhiều chất xám, những sản phẩm mang tính R&D (nghiên cứu và phát triển), thế mạnh riêng và cùng những nước có cùng xuất phát điểm cạnh tranh mới chiếm lĩnh được thị trường.

Một số ngành nghề phù hợp có thể lựa chọn như cơ khí chế tạo (thiết bị nâng hạ, khuôn mẫu, hệ thống máy chế biến gạo xuất khẩu, hệ thống máy sản xuất mì ăn liền… được nhiều nước đã mua của Việt Nam). Về dịch vụ có dịch vụ tài chính, du lịch y tế (làm đẹp, nha khoa), sản xuất, gia công phần mềm tin học, thiết kế tạo mẫu…

Đồng thời TP cần có chính sách hỗ trợ thiết thực như hỗ trợ một phần giá thuê đất trong các khu công nghiệp; xây dựng và vận hành hệ thống tập trung xử lý nước thải, chất thải dài hạn cho DN; hỗ trợ làm thủ tục đầu tư và mọi thủ tục liên quan cho DN thực hiện dự án, hỗ trợ xây dựng thương hiệu…

Trung Quốc, Mỹ là khách hàng lớn nhất của DN TP.HCM

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, chín tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP đạt gần 31 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến năm 2019 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử ước đạt 10 tỉ USD; dệt may hơn 4 tỉ USD; giày dép 1,9 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ khoảng 1,6 tỉ USD và nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy hải sản, hàng rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP.HCM. Kế đến là Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Ấn Độ... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm