Tăng thanh toán BHYT ngoại trú trái tuyến: Người dân được lợi

(PLO)- Bộ Y tế đề xuất tăng thanh toán BHYT ngoại trú trái tuyến cấp tỉnh từ 0% lên 40%.

Thường phải di chuyển, đi công tác nhiều giữa các tỉnh, anh Nguyễn Bá Thanh (35 tuổi, Thái Bình), cho biết nếu được thanh toán 40% BHYT ngoại trú trái tuyến cấp tỉnh thì người dân được thêm nhiều quyền lợi.

“Do tính chất công việc nên tôi hay phải đi công tác tỉnh. Ví dụ khi từ Thái Bình đến Tiền Giang mà không may gặp vấn đề sức khỏe, tôi vẫn có thể đến bệnh viện tỉnh và được thanh toán BHYT ngoại trú 40% thay vì 0% như hiện nay” – anh Thanh nêu ví dụ.

Cũng theo anh Thanh, một vài người quen của anh thường xuyên phải đi khám ngoại trú ở bệnh viện tỉnh, nhiều khi phải thuê nhà trọ gần bệnh viện để ở lại tiện cho tái khám. Những lúc như vậy, chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại khá tốn kém. Nếu được hưởng 40% BHYT ngoại trú trái tuyến cũng là hợp lý.

Nhiều người dân cho rằng nếu được thanh toán 40% BHYT ngoại trú trái tuyến cấp tỉnh sẽ có lợi hơn. Ảnh: THANH THANH

Theo anh Cao Xuân Lộc (30 tuổi, Quảng Bình), với những người dân làm nông ở quê như anh, việc BHYT chi trả 100% khi đi khám chữa bệnh nội trú ở bệnh viện tỉnh là rất quan trọng và có ý nghĩa.

“Tôi từng đưa bố mẹ đi khám bệnh tại bệnh viện huyện, hơn một lần có trải nghiệm không vui. Từ đó về sau, khi bố mẹ cần khám hay chữa bệnh tôi thường đưa ông bà lên bệnh viện tỉnh dù cách nhà gần trăm cây số. Lên đó nếu bác sĩ nói nhập viện điều trị nội trú thì ở lại luôn vì đã có BHYT lo rồi” – anh Lộc chia sẻ

Cũng theo anh Lộc, nếu tỉ lệ thanh toán BHYT nội trú trái tuyến giảm từ 100% xuống còn 60%, người dân sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Còn trường hợp phải điều trị ngoại trú trái tuyến mà vẫn được BHYT thanh toán 40% như đề xuất mới, anh Lộc cho rằng đối với một nhóm người nào đó cũng là hợp lý.

Theo bà Dương Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tài chính Kế toán – Bệnh viện E (Hà Nội), đề xuất giảm mức hưởng BHYT nội trú trái tuyến cấp tỉnh về 60% là hợp lý.

“Nếu thông tuyến tỉnh như hiện nay, thực tế gây ra rất nhiều khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, cản trở việc phát triển y tế địa phương, lãng phí những gì đã được đầu tư vào các cơ sở này. Đồng thời khiến các cơ sở này không có động lực phát triển” – bà Hà nêu quan điểm.

Bà Hà cho rằng nếu phương án mới được thông qua, không hẳn người dân sẽ bỏ qua tuyến tỉnh để lên tuyến trung ương.

Mới đây, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, thay cho Luật BHYT (sửa đổi). Theo đó, đề xuất giảm thanh toán BHYT cho điều trị nội trú trái tuyến cấp tỉnh từ 100% xuống 60%, và tăng thanh toán BHYT ngoại trú trái tuyến cấp tỉnh từ 0% lên 40%.

Hiện, theo quy định tại Luật Khám, chữa bệnh 2023, bốn tuyến y tế cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương được chuyển đổi thành ba cấp chuyên môn kỹ thuật là ban đầu, cơ bản, chuyên sâu.

Trong đó, cấp ban đầu là các trạm y tế xã, cấp cơ bản gồm trung tâm y tế huyện, bệnh viện tỉnh hạng 2 và 1 không được phân loại là tuyến cuối, và cấp chuyên sâu gồm bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tỉnh hạng 1 được phân loại tuyến cuối.

Bộ Y tế cho rằng cần sửa đổi, điều chỉnh các quy định liên quan tới tuyến chuyên môn, hạng bệnh viện trong Luật BHYT để đồng bộ với Luật Khám, chữa bệnh 2023. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất hai phương án chi trả đối với người bệnh tự đi khám chữa bệnh BHYT trái tuyến ở cấp cơ bản như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới