Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, thay cho Luật BHYT (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến.
Tăng chi trả BHYT ngoại trú, giảm nội trú
Trong đó, Bộ Y tế cho rằng việc đăng ký cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp. Đồng thời, đề xuất hai phương án điều chỉnh tỉ lệ chi trả BHYT cho điều trị nội trú, ngoại trú khi KCB trái tuyến.
Cụ thể, phương án 1 (đề xuất mới) là tăng chi trả ngoại trú trái tuyến cấp tỉnh từ 0% lên 40%, giảm chi trả nội trú trái tuyến cấp tỉnh từ 100% xuống 60% đối với các dịch vụ kỹ thuật mà y tế cơ sở thực hiện. Riêng các dịch vụ kỹ thuật tuyến dưới chưa thực hiện được thì chi trả 100% cho điều trị nội trú trái tuyến cấp tỉnh.
Phương án 2, giữ nguyên theo quy định hiện hành, tức là chi trả 100% cho điều trị nội trú và 0% cho ngoại trú khi KCB trái tuyến cấp tỉnh (trừ các cơ sở thuộc huyện là 100% nội và ngoại trú).
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), đề xuất mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, giảm quá tải điều trị nội trú ở tuyến tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030 có trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả.
Theo quy định hiện hành, khi KCB trái tuyến tại BV tuyến Trung ương, BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú, không thanh toán cho khám và điều trị ngoại trú. Tại BV tuyến tỉnh, BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước, không thanh toán cho khám và điều trị ngoại trú. Tại BV tuyến huyện, BHYT trả 100% chi phí KCB cho cả nội trú và ngoại trú.
“Đề xuất mới còn bảo đảm cân đối Quỹ BHYT. Bởi theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ khi có thông tuyến BHYT đã làm tăng số lượt KCB ở tuyến trên, giảm lượt khám và điều trị tại trạm y tế xã. Số chi Quỹ BHYT cho các đợt điều trị nội trú trái tuyến ở tuyến tỉnh tăng đáng kể” - bà Trang nói.
Theo bà Trang, ưu điểm nữa của đề xuất mới chính là nhằm tăng số lượt KCB có BHYT tại tuyến cơ sở, giảm quá tải về điều trị nội trú ở tuyến tỉnh.
BV tuyến tỉnh đề nghị giữ nguyên
Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Phúc cho rằng quy định về thanh toán BHYT khi người dân KCB trái tuyến nên giữ nguyên như hiện tại sẽ hợp lý hơn.
“Nếu không được BHYT chi trả 100% khi KCB ở tuyến tỉnh, nhiều người dân cũng sẽ không chọn BV tuyến huyện chỉ để được hưởng tỉ lệ này. Thay vào đó, họ sẽ dồn về tuyến cuối, gây áp lực và quá tải cho các BV tuyến Trung ương dù ở đó họ chỉ được hưởng có 40%” - ông Phúc nêu.
Đồng quan điểm với lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Hậu Giang, BS Nguyễn Văn Tú, BV đa khoa tỉnh Hưng Yên, cũng cho biết mức thanh toán BHYT như hiện nay là phù hợp. Người dân khi vượt đường sá xa xôi đi KCB ở tuyến tỉnh thường là bệnh đã nặng, khả năng cao phải nằm viện, họ nên được hưởng 100% BHYT.
“Nếu chỉ đi khám thông thường rồi về điều trị tại nhà, người dân sẽ đến BV huyện. Do đó, việc tăng chi trả BHYT cho điều trị ngoại trú tuyến tỉnh từ 0% lên 40% theo đề xuất mới chưa thực sự phù hợp” - BS Tú nói. Đồng thời cho hay khi mới thông tuyến BHYT, các BV cũng sợ sẽ quá tải, song thực tế không có nhiều thay đổi.
Bà Bùi Ngọc Hồng, điều dưỡng trưởng BV đa khoa tỉnh Lào Cai, chia sẻ đề xuất mới có thể gây khó khăn cho người dân do phần lớn đến BV tuyến tỉnh là những trường hợp nặng, cần nhập viện, chi phí điều trị cao, trong đó nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
“Tại BV đa khoa tỉnh Lào Cai rất ít trường hợp đến chỉ để khám đau bụng, nhức đầu… mà phần nhiều đến khi bệnh nặng, phải nằm viện. Theo tôi, nếu không thể tăng mức chi trả BHYT cho điều trị ngoại trú cấp tỉnh thì cũng nên giữ nguyên mức thanh toán 100% cho điều trị nội trú” - bà Hồng đề xuất.
Đề xuất mới có nhiều ưu điểm
Theo ý kiến của BHXH Việt Nam và từ thực tiễn quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, đề xuất mới giúp tăng tỉ lệ KCB tại y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên, giảm chỉ định nhập viện không cần thiết, góp phần sử dụng hiệu quả, cân đối Quỹ BHYT.
Để bảo đảm quyền lợi của người dân và tăng tính khả thi của đề xuất mới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang phối hợp nâng cao chất lượng KCB của y tế cơ sở, rà soát tăng danh mục thuốc mới, phạm vi dịch vụ kỹ thuật, tỉ lệ chi trả cho y tế cơ sở tương ứng với năng lực chuyên môn. Việc này nhằm tăng quyền lợi, giúp người dân tin tưởng và tạo sức hút với y tế tuyến dưới.
Tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc... người dân đều phải đóng một tỉ lệ đồng chi trả khi KCB trái tuyến.
Bà TRẦN THỊ TRANG, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)