“Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam rất ủng hộ điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xăng dầu lên để đảm bảo thu ngân sách nhà nước”.
Đó là phát biểu của ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), tại cuộc hội thảo “Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế” tổ chức ngày 16-5 ở Hà Nội.
Tăng thuế, Nhà nước thu hàng chục ngàn tỉ đồng
Ông Phan Thế Ruệ khẳng định hiệp hội ủng hộ việc tăng khung thuế BVMT đối với xăng dầu. Bởi việc tăng các loại thuế nội địa như thuế BVMT là cần thiết khi thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ giảm về 0% trong thời gian tới theo cam kết hội nhập để bù vào phần hụt đó.
“Giá dầu thô giảm, cộng với lộ trình giảm thuế nhập khẩu sẽ khiến ngân sách nhà nước càng khó khăn bởi thu ngân sách từ dầu thô chiếm 14% thu ngân sách. Chúng ta cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân, trong đó lợi ích của Nhà nước rất quan trọng. Nộp thuế là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi. Giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi!?” - ông Ruệ nhấn mạnh.
Ông Phan Thế Ruệ dẫn chứng thêm chỉ cần tăng thuế môi trường 1.000 đồng/lít sẽ giúp ngân sách có thêm hàng chục ngàn tỉ đồng. Nếu tăng lên đến 8.000 đồng/lít thì số thu ngân sách rất lớn.
Tăng thuế bảo vệ môi trường là không công bằng với người dân. Trong ảnh: Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Đầu vào ăn ít thôi”
Ngược lại, PGS-TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng việc tăng thuế BVMT sẽ không công bằng với người tiêu dùng. Ông cho rằng hiện nay mặt hàng xăng dầu đã gánh rất nặng các thuế, phí, do đó chỉ cần một khoản thuế, phí nào tăng lên sẽ khiến tỉ trọng thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu chiếm tuyệt đối.
“Tăng thuế, phí, ngân sách có thêm tiền nhưng bất lợi cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhà điều hành đã tìm đến các giải pháp khác để bù nguồn thu và việc tăng thuế là giải pháp dễ nhất” - ông Thắng nói thẳng.
Theo vị chuyên gia này, cơ quan quản lý cần tập trung vào vấn đề giảm chi thường xuyên trong hệ thống hành chính để cân đối ngân sách. Vì việc tăng thuế sẽ khiến người dân đã khó lại càng thêm khó.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cho rằng cần phải có cái nhìn tổng quát hơn khi tính tới việc tăng thuế BVMT, tính toán thuế làm sao để thu bền vững.
“Đầu vào thì ăn ít thôi để còn kích thích sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững. Đó mới là vấn đề bền vững trong điều hành ngân sách” - ông Thỏa nêu quan điểm.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cũng nhận định về lâu dài và căn cơ, chính sách cần hướng tới việc giảm thuế để giảm chi phí, giảm gánh nặng cho DN. Khi tạo ra lợi nhuận nhiều hơn, DN sẽ đóng góp vào ngân sách lớn hơn.
Xăng dầu chưa theo cơ chế thị trường
Dù khẳng định những ưu điểm của Nghị định 83/2009 về kinh doanh xăng dầu là đã đem lại thị trường cho hệ thống xăng dầu so với trước, tuy nhiên nhiều đại biểu có mặt tại hội thảo vẫn băn khoăn.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, đánh giá thị trường xăng dầu thế giới diễn biến đột ngột, khó dự báo, giá xăng dầu biến động mạnh trong khi một số quy định không còn phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước còn can thiệp quá sâu vào thị trường về giá cả, không theo kịp diễn biến thị trường thế giới. Ngoài ra thị trường xăng dầu thiếu tính cạnh tranh, các công ty xăng dầu chỉ có một giá thống nhất là không phù hợp với cơ chế thị trường.
Ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng chính sách với thị trường xăng dầu tới đây phải thay đổi theo hướng để DN tự định giá. Ông nói: “Cơ chế giá sẽ tạo ra sự cạnh tranh và cạnh tranh sẽ đem lại cho DN cơ hội tự quyết giá”.
Điều chỉnh thế nào tùy thuộc Chính phủ Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết các sắc thuế nội địa, trong đó có thuế BVMT sẽ được Chính phủ rà soát theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu. “Tuy nhiên, nói tăng khung thuế BVMT lên 8.000 đồng/lít xăng không có nghĩa là tăng ngay mà là mức khung tối đa. Khi điều chỉnh còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế để làm sao cho phù hợp. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh cụ thể thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước, DN” - ông Quyền giải thích. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, đề xuất cơ quan chức năng cần thay đổi rút ngắn thời gian điều chỉnh giá giữa các chu kỳ. Nếu để thời gian 15 ngày như hiện nay sẽ vẫn tồn tại việc tăng nhanh, giảm chậm, giá thế giới giảm giá trong nước lại tăng. |