Mới đây, Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Dự thảo nghị định mới này dự kiến sẽ tăng nặng mức phạt đối với các hành vi sử dụng rượu bia, ma túy và nhiều hành vi nguy hiểm khác.
Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm hơn là làm sao để tránh tình trạng “cưa đôi” giữa CSGT và người vi phạm. Bởi thực tế đã có tình trạng CSGT hoặc chính người vi phạm gạ “cưa đôi” mức phạt theo quy định của pháp luật, không lập biên bản. Bằng cách đó, người vi phạm chỉ phải mất nửa số tiền phạt và khỏi chạy tới chạy lui đóng phạt, CSGT thì bỏ túi số tiền ấy.
Đừng “cưa đôi” mức phạt rồi cho qua
Nhiều bạn đọc cho rằng để việc xử phạt mang tính răn đe thì phải loại bỏ tình trạng mãi lộ, nguyên tắc ngầm đưa tiền và cho qua.
Anh Trương Minh L., một tài xế xe tải đường dài chia sẻ: “Việc xử phạt sẽ giúp người vi phạm nhớ để sau này không vi phạm nữa. Tôi đồng ý với việc tăng mức xử phạt đối với hành vi lái xe khi sử dụng rượu bia vì có như thế mới răn đe được. Tuy nhiên, phạt như thế nào để mang lại hiệu quả mới là chuyện đáng nói, bởi theo thực tế hiện nay tình trạng mãi lộ chưa được loại bỏ. Như bản thân tôi là một tài xế thì chuyện vi phạm giao thông là không thể tránh khỏi và các lỗi như lấn làn đường, chạy xe quá tốc độ… là những lỗi tôi thường gặp nhất. Cứ mỗi lần bị CSGT thổi vào thì thường là khung phạt bao nhiêu sẽ tự biết chia đôi, kẹp vào bằng lái là được cho qua, khỏi trả giá. Việc xin được đưa tiền chỉ bằng một nửa với mức phạt để không phải bị lập biên bản, không bị giữ bằng lâu nay đã trở thành luật ngầm của cánh tài xế chúng tôi. Bản thân tôi không thích điều này nhưng vì tiện và lợi cho mình nên thực hiện theo. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu lỗi nhỏ thì không sao, lỗi nặng như sử dụng rượu bia có nồng độ cồn cao quá mức cho phép khi lái xe mà cứ phạt theo kiểu “cưa đôi” thì cho dù mức phạt tăng cũng chẳng ăn thua và rất nguy hiểm cho xã hội”.
Tương tự, anh NVT, tài xế xe container của một công ty tại Sóc Trăng, cũng cho rằng cách phạt như thế nào cho hiệu quả là một chuyện đáng quan tâm. “Vì hiện nay, đây đó cũng còn chuyện người vi phạm đưa tiền rồi được cho qua. Nếu tăng mức phạt lên, người vi phạm chỉ cần bỏ thêm ít tiền đưa CSGT mà không có biên bản, tiền không được nộp vào ngân sách. Đóng phạt kiểu này khó mà răn đe được ai”.
Dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt dự kiến sẽ tăng nặng mức phạt đối với các hành vi sử dụng rượu bia, ma túy và nhiều hành vi nguy hiểm khác. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Giám sát “cưa đôi” bằng công nghệ
Bạn đọc Gia Bảo (quận 1, TP.HCM) nêu quan điểm về việc tăng nặng mức xử phạt đối với các trường hợp lái xe vượt quá nồng độ cồn, sử dụng ma túy hoặc vi phạm quy định trên đường cao tốc là cần thiết tại thời điểm hiện nay. “Tình trạng CSGT “cưa đôi” với người vi phạm hay “nhờ CSGT đóng phạt giùm” không phải là chuyện mới mẻ. Bản thân tôi cũng là người di chuyển thường xuyên nên không tránh khỏi đã từng phải “cưa đôi” với CSGT.
“Tôi cho rằng để chấm dứt được tình trạng này không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên, sẽ làm được nếu có quyết tâm từ cả phía người vi phạm và CSGT.
Để giảm tình trạng này, cần giảm bớt sự can thiệp của CSGT đến mức càng ít càng tốt, bằng cách tăng cường giám sát, xử lý vi phạm giao thông qua camera, dữ liệu giám sát hành trình, mọi hoạt động của xe và tài xế đều được giám sát.
Thông qua dữ liệu này, cơ quan có thẩm quyền sẽ xử phạt thật nặng, nghiêm minh các hành vi vi phạm, như vậy sẽ góp phần chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông, cũng như giảm được điều kiện phát sinh chuyện “cưa đôi” trong vi phạm” - bà Mai Lệ Chi, quận 7, TP.HCM, nói.
Đồng quan điểm, bạn đọc Tuấn Ngọc (Hà Nội) cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục đóng phạt, tránh rườm rà bằng cách người vi phạm có thể ngồi nhà đóng phạt thông qua ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Còn cơ quan xử lý vi phạm trả lại giấy tờ cho người vi phạm thông qua đường bưu điện. Có như vậy mới giải quyết được tâm lý người vi phạm chỉ vì ngại đi đóng phạt, lấy giấy tờ nên mới “cưa đôi” với CSGT.
Tăng mức phạt cho một số vi phạm phổ biến Dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 sẽ tăng nặng mức phạt cho một số hành vi vi phạm phổ biến. Chẳng hạn như: - Tài xế ô tô lùi xe trên cao tốc sẽ có mức phạt 16-18 triệu đồng (mức phạt hiện hành là 800.000-1,2 triệu đồng). - Tài xế ô tô không nhường đường cho xe xin vượt sẽ có mức phạt 800.000-1,2 triệu đồng (mức phạt hiện hành là 300.000-400.000 đồng). - Tài xế ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ có mức phạt 26-30 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng (mức phạt hiện hành là 16-18 triệu đồng, tước bằng lái xe 4-6 tháng). - Tài xế xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy, nồng độ cồn sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng, tước bằng lái xe 10-12 tháng (mức phạt hiện hành là 3-4 triệu đồng, tước bằng lái xe 3-5 tháng). … |